Việt Nam còn thiếu nhiều bác sĩ dinh dưỡng


Thông tin trên được GS.TS Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam thông tin tại hội thảo Phát triển năng lực hệ thống trong công tác dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế tại Việt Nam, diễn ra tại Viện Dinh dưỡng ngày 18/10.

Việt Nam còn thiếu nhiều bác sĩ dinh dưỡng - 1

GS.TS Lê Danh Tuyên đánh giá, nhân lực cử nhân dinh dưỡng, bác sĩ dinh dưỡng ở Việt Nam còn rất thiếu (Ảnh: H.Hải).

Theo ông Tuyên, hiện Việt Nam thiếu nhiều bác sĩ dinh dưỡng. Theo quy định của Bộ Y tế, bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng; mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu một người làm chuyên môn về dinh dưỡng.

Tuy nhiên trên thực tế, trung bình các cơ sở y tế chỉ có 0,7 bác sĩ đa khoa làm tại khoa dinh dưỡng. Trong đó, các bệnh viện hạng đặc biệt có 2 bác sĩ đa khoa làm việc tại khoa dinh dưỡng, riêng bệnh viện hạng IV không có ai.

Tại Việt Nam, Đại học Y Hà Nội là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đào tạo cử nhân dinh dưỡng tiết chế từ năm 2013. Đến nay, có 730 cử nhân đã tốt nghiệp, một cơ sở khác thuộc hệ vừa học vừa làm.

Với số lượng đào tạo còn hạn chế so với nhu cầu, hiện tỷ lệ cử nhân làm việc tại các khoa dinh dưỡng còn thấp. Mức trung bình chung của tất cả bệnh viện là 0,3 người. Cao nhất ở bệnh viện hạng đặc biệt là gần 1,7 người, bệnh viện hạng I là gần 1 người, hạng II là 0,25 người, hạng III là 0,17 người, hạng IV không có ai.

PGS Tuyên chỉ ra thực trạng, nhiều bệnh viện thành lập khoa dinh dưỡng chỉ mang tính chất đối phó để khi chấm điểm của Bộ Y tế khỏi bị phê bình. Ngoài ra, cử nhân dinh dưỡng chưa có được sự chủ động trong điều trị, vì tất cả công việc tư vấn, thăm khám đều phải phụ thuộc vào bác sĩ.

“Nhiều bệnh viện không nghĩ khoa dinh dưỡng là phần quan trọng giúp bệnh nhân khỏe mạnh. Đặc biệt ở tuyến dưới, khoa dinh dưỡng chỉ coi như bếp ăn cung cấp thức ăn, chưa xem đây là phương tiện điều trị”, ông Tuyên nói.

“Trong khi đó, dinh dưỡng rất quan trọng trong phòng, điều trị bệnh. Ví dụ các bệnh rất phổ biến hiện nay về rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, không “trị bệnh” bằng dinh dưỡng thì khó kiểm soát bệnh”, ông Tuyên phân tích thêm.

Chuyên gia này cũng dẫn chứng tại Nhật Bản rất coi trọng bác sĩ dinh dưỡng. Theo đó, tất cả các ca hội chẩn đều phải mời bác sĩ dinh dưỡng. 

Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp tăng cường đào tạo nhân lực về cử nhân dinh dưỡng, bác sĩ dinh dưỡng; cấp chứng chỉ cho cử nhân dinh dưỡng để họ có quyền chủ động trong việc thăm khám, tư vấn, thay vì phải phụ thuộc bác sĩ như hiện nay…


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *