Vụ lũ quét kinh hoàng ở Lào Cai: Nhiều người được đưa đến bệnh viện


Theo đó, khoảng 10h15 ngày 10/9, UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) nhận được tin báo của xã Phúc Khánh về vụ việc lũ quét gây sạt lở đất nghiêm trọng tại địa bàn thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Số lượng người bị nạn là 128 người trên 35 hộ dân.

Tính tới 14h cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện và sơ cứu được 10 người. Có 15 người tử vong tại chỗ và 103 người đang bị mất tích.

Vụ lũ quét kinh hoàng ở Lào Cai: Nhiều người được đưa đến bệnh viện - 1

Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã thực hiện báo động đỏ để ứng cứu vụ sạt lở đất kinh hoàng (Ảnh: B.V).

Ngay khi nhận được thông tin về vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp ngôi làng, có rất nhiều thương vong, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã thực hiện báo động đỏ. Bệnh viện đã huy động toàn thể viên chức tập trung tại đơn vị ứng cứu thảm họa thiên tai do bão lụt xảy ra. 

Đồng thời, bệnh viện cử các kíp xuống các điểm cần hỗ trợ y tế trên toàn huyện, đặc biệt khu vực thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh để cấp cứu tại chỗ.

Vụ lũ quét kinh hoàng ở Lào Cai: Nhiều người được đưa đến bệnh viện - 2

Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã huy động toàn thể nhân viên y tế tham gia cấp cứu (Ảnh: B.V).

 Trước đó, ngày 8/9, Bộ Y tế đã có công điện về việc chủ động khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Theo đó, để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão số 3 năm 2024 và giảm thiểu thiệt hại đối với đợt mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo.

Vụ lũ quét kinh hoàng ở Lào Cai: Nhiều người được đưa đến bệnh viện - 3

Theo thông tin ban đầu, hiện còn 103 người mất tích trong vụ sạt lở (Ảnh: B.V).

Đồng thời, các đơn vị cần tập trung cứu chữa người bị thương, khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế. 

Các cơ quan cũng cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *