Ngồi đợi tôi ở chiếc bàn cạnh cửa sổ ngập tràn nắng thu là một người đàn ông có vóc dáng bé nhỏ, tác phong nhanh nhẹn và đôi mắt tinh anh. Đó là PGS-TS, nhà cổ nhân học, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.
“Tôi không muốn viết một ca khúc mang tính cổ động”
Trả lời câu hỏi “Nhạc sĩ đã nảy ra ý tưởng viết ca khúc Cây bằng lăng trong bão như thế nào?”, ông nói ngay: “Đêm mùng 7, rạng sáng 8/9, khu nhà tôi (phố Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội – PV) đã chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: hàng cây đổ xuống, đè nặng lên đường dây điện khiến cả khu mất điện.
Chứng kiến sức tàn phá của cơn bão Yagi, tôi quyết tâm phải viết một bài hát về cơn bão mạnh nhất trong 30 năm gần đây quét qua Hà Nội. Tôi thắp nến, ngồi lặng bên đàn piano, cảm xúc trào dâng. Tôi không dự định viết một ca khúc mang tính cổ động, kêu gọi trợ giúp mà tôi muốn sáng tác một bài hát chạm đến trái tim người nghe. Điều đó thật không dễ dàng”.
Trong bài hát, hình ảnh cây bằng lăng xuất hiện xuyên suốt như một biểu tượng của cái đẹp, niềm tin và hy vọng. Đây cũng là loài cây quen thuộc với người dân Hà Nội, sắc tím gợi đến sự lãng mạn trong tình yêu: “Mối tình đầu dưới bóng bằng lăng…”. Ông sửa đi sửa lại bài hát cho thật ưng với ý nghĩ dù người nhạc sĩ không thể trực tiếp ra “mặt trận” nhưng có thể dùng âm nhạc động viên mọi người.
Nhạc sĩ Lân Cường bày tỏ: “Sau khi gửi bài hát đến mấy chục nhạc sĩ, bạn bè, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. GS-TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí nhận xét: ‘Bài hát nói về bão lụt nhưng không buồn mà đủ thức tỉnh, động lòng trắc ẩn về sự mất mát do thiên tai và đặc biệt là củng cố lòng tin tưởng rằng tất cả rồi sẽ qua, lạc quan mà sống với đời. Chất nhạc trữ tình hợp lý, không lên gân mà vẫn đánh thức được tình cảm con người’”.