Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện, đường hô hấp còn mỏng manh, nhạy cảm, rất dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Trong đó, những bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib, phế cầu, cúm, não mô cầu… có thể ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo trẻ cần tiêm vaccine khi đủ tuổi và đúng lịch để được bảo vệ tối ưu. Việc trì hoãn tiêm chủng hoặc bỏ qua các mũi tiêm cần thiết có thể khiến trẻ mắc bệnh, ảnh hưởng thể chất và tinh thần.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 5,3 triệu trẻ tử vong vì mọi nguyên nhân, trong đó có khoảng 700.000 trẻ tử vong do các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết nhờ có vaccine, khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị tử vong do bệnh truyền nhiễm hàng năm, thanh toán được bệnh bại liệt, đậu mùa, loại trừ bệnh uốn ván và giảm số ca tử vong gây ra do ho gà, bạch hầu, sởi, thủy đậu, viêm gan A và B…, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho chi phí chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, các mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, sẵn sàng bùng phát nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine sụt giảm.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà, bạch hầu và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Cụ thể, có 6 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang, Bắc Giang, Nghệ An, trong đó có 1 ca tử vong tại Nghệ An; hơn 3.000 ca mắc sởi trên toàn quốc; hàng trăm ca mắc ho gà… Hầu hết các ca mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng.
Giải thích các nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh nếu trì hoãn tiêm chủng, bác sĩ Chính cho biết trẻ mới sinh nhận được kháng thể từ mẹ truyền sang qua nhau thai và sữa mẹ. Tuy nhiên, các kháng thể này giảm dần theo thời gian khiến trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao khi tiếp xúc với mầm bệnh.
Mặt khác, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, cấu trúc đường hô hấp và chức năng các cơ quan đều yếu ớt, khó đào thải mầm bệnh và sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn, từ đó dễ trở nặng.
Mỗi loại vaccine đều được nghiên cứu kỹ lưỡng về tính an toàn, hiệu quả và lịch tiêm phù hợp. Việc tiêm vaccine đủ liều, đúng lịch là bước quan trọng giúp trẻ tự tạo kháng thể chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập, củng cố hệ miễn dịch và phát triển khỏe mạnh trong những tháng đầu đời.
Theo thống kê, khoảng 85%-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, từ đó phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi và màng não do vi khuẩn Hib là những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.
Hiện Việt Nam đã có vaccine 6 trong 1 phòng ngừa 6 bệnh nguy hiểm kể trên chỉ trong 1 mũi tiêm. Vaccine có lịch tiêm vào lúc 2 tháng tuổi, sớm nhất là 6 tuần tuổi với phác đồ 3 mũi cơ bản vào lúc 2, 3, 4 tháng và mũi nhắc thứ 4 vào lúc 16-18 tháng, cần hoàn thành 4 mũi trước 2 tuổi.
Theo các nghiên cứu, vaccine 6 trong 1 nếu tiêm đủ mũi, đúng lịch có hiệu quả bảo vệ đến 99% khỏi nguy cơ bệnh tật cho con. Nhưng nếu tiêm không đủ mũi thì hiệu quả vaccine không được tối ưu, ví dụ chỉ tiêm 1 liều hiệu quả bảo vệ với bại liệt chỉ khoảng 40%, bạch hầu và ho gà chỉ đạt 30%.
Bác sĩ Chính cho biết, vaccine 6 trong 1 hiện có 2 loại: loại ở dạng pha sẵn và loại phải qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vaccine đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau.
“Ba mẹ nên cho con tiêm đủ liều, đúng lịch và hoàn thành phác đồ với cùng một loại vaccine trong loạt các mũi tiêm cơ bản để phát huy hiệu quả tối ưu, chỉ khi trong trường hợp bất khả kháng mà loại vaccine đang dùng không có sẵn thì có thể chuyển sang loại vaccine khác cùng thành phần để không trì hoãn lịch tiêm chủng cho trẻ”, bác sĩ Chính lưu ý thêm.