Báo cáo mới nhất từ Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2024 cho thấy có khoảng 60% bệnh nhân sau đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường. Trong số 40% còn lại, có khoảng 10% bệnh nhân tử vong, 30% là bị các di chứng tàn phế, gây ra những gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đáng chú ý, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người dưới 55 tuổi bị đột quỵ đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, và đây là một xu hướng chung trong vòng 10 – 15 năm trở lại đây.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS Valery Feigin, nhà khoa học đi đầu thế giới về nghiên cứu phòng chống đột quỵ, cho biết, lối sống hiện đại, với thói quen tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, là nguyên nhân số 1 dẫn đến tình trạng gia tăng đột quỵ, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, rủi ro đột quỵ và ung thư vẫn thường được gán với các nguyên nhân tiêu thụ thực phẩm không đúng cách.
Tuy nhiên trên thực tế, nguy cơ đột quỵ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như khác biệt văn hóa, khí hậu, thể chất, thậm chí cả gene di truyền. Một yếu tố ít được nhắc đến là môi trường, điển hình như tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo GS Valery Feigin, tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất công nghiệp, ô tô, hoặc tiêu thụ nhiên liệu rắn, có thể chiếm đến 30% gánh nặng rủi ro liên quan tới đột quỵ ở người trưởng thành.
“Thách thức lớn nhất là đột quỵ đang gia tăng và vẫn chưa có chiến lược hiệu quả nào để phòng ngừa”, GS Valery Feigin cho biết. “Có thể nói rằng, nâng cao nhận thức về đột quỵ và các nguy cơ là bước đầu tiên để phòng tránh tình trạng này”.
GS Valery Feigin chia sẻ, ông bắt đầu sự nghiệp như một nhà thần kinh học, nhưng dần chuyển trọng tâm sang nghiên cứu về đột quỵ sau khi nó cướp đi mạng sống của cha ông.
GS Valery Feigin hiện là tác giả của một trong những nghiên cứu lớn nhất thế giới về đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường và suy giảm trí nhớ thông qua ứng dụng “Stroke Riskometer”.
Ứng dụng được phát triển từ năm 2014, cho phép người sử dụng đánh giá nguy cơ đột quỵ dựa vào việc trả lời 20 câu hỏi đơn giản trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Từ đó, người dùng sẽ có cái nhìn rõ hơn, cũng như nhận biết cách phòng tránh nguy cơ đột quỵ.
Vị chuyên gia cho biết, Stroke Riskometer hiện đã được sử dụng trên toàn thế giới, và đã chứng minh được hiệu quả, khi có thể giảm nguy cơ đột quỵ tới 50%.
Trong lần tới Việt Nam để tham dự sự kiện khoa học toàn cầu VinFuture, GS Valery Feigin cho biết ông mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác với Bộ Y tế để cải thiện công tác phòng ngừa đột quỵ.
Theo ông, việc thực hiện chương trình phòng ngừa đột quỵ có thể giúp chính phủ Việt Nam giảm bớt thiệt hại từ đột quỵ lên đến 3 tỷ USD.