Tại buổi khai mạc Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TPHCM, diễn ra ngày 5/12 tại TPHCM, Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ung thư là một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống y tế toàn cầu và tại Việt Nam.
Theo số liệu gần đây, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đang có xu hướng gia tăng. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ tập trung vào điều trị, mà còn phải chú trọng vào việc phòng ngừa, phát hiện sớm và chăm sóc giảm nhẹ.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khẳng định, địa phương luôn xác định phòng chống ung thư là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trọng tâm.
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để mở rộng mạng lưới phòng chống ung thư, từ giai đoạn phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị đến chăm sóc giảm nhẹ.
Thứ hai, TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các chương trình hợp tác quốc tế.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và y tế số trong quản lý và điều trị ung thư, giúp tối ưu hóa quy trình điều trị và nâng cao trải nghiệm của người bệnh.
Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng nhận định, Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 27 không chỉ là dịp để ngành y cập nhật kiến thức, mà còn là cơ hội để kết nối trong cộng đồng y khoa, hướng đến mục tiêu chung là cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư.
Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, theo số liệu Globocan 2022 công bố đầu tháng 3, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mắc mới và 9,7 triệu ca bệnh ung thư tử vong. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Ung thư là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, ước tính năm 2024, đơn vị đã tiếp đón hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong năm 2024 là hơn 41.700 ca, trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất (23,6%).
Sau khi đưa vào hoạt động cơ sở 2 ở TP Thủ Đức, hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tiếp nhận khám và điều trị 4.700-4.900 ca bệnh, và số lượng bệnh nhân từ tỉnh chuyển đến ngày càng nhiều.
Dù bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp để phục vụ tốt hơn, nhưng cũng không tránh khỏi việc bệnh nhân sẽ có thời gian chờ đợi và có một số bất tiện khi đến điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn chia sẻ, Hội thảo hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM lần thứ 27 không chỉ là diễn đàn khoa học uy tín mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới phòng chống ung thư tại Việt Nam và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ giúp phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu trong y học ung thư, từng bước đưa Việt Nam sánh ngang với khu vực và quốc tế trong các nghiên cứu và ứng dụng y học hiện đại.
Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TPHCM diễn ra trong các ngày 5-6/12, với hơn 110 bài báo cáo trong 21 phiên chuyên môn (gồm 1 phiên toàn thể, 20 phiên chuyên đề), trên những loại ung thư và thảo luận nhiều vấn đề chuyên môn (bao gồm các phiên Gan – Mật, Tiêu hóa, Huyết học, Tổng quát, Xạ trị – Kỹ thuật phóng xạ; Phổi – Lồng ngực, Đầu cổ, Điều dưỡng – Chăm sóc giảm nhẹ, Tuyến vú, Phụ khoa – Niệu, Giải phẫu bệnh).
Trong đó, có hơn 14 báo cáo viên quốc tế, đến từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Bỉ và Singapore. Hội thảo có sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ nhiều bệnh viện, trung tâm, cơ sở điều trị ung thư trong và ngoài nước.