Đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có người hơn 20 tuổi đã mắc bệnh


Nhiều bệnh nhân hơn 20 tuổi đã đột quỵ, bác sĩ căng mình điều trị (Video: Đoàn Thủy).

Nhiều người hơn 20 tuổi đã đột quỵ

Đột quỵ vốn là bệnh tuổi già nhưng đang trẻ hóa. Tại Bệnh viện Quân y 103, có những bệnh nhân đột quỵ chỉ mới hơn 20 tuổi.

Đây là thông tin đáng chú ý được PGS.TS Tạ Bá Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ tại Hội thảo khoa học chuyên ngành đột quỵ với chủ đề: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ”.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có người hơn 20 tuổi đã mắc bệnh - 1

PGS.TS Tạ Bá Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Ảnh: Minh Nhật).

Hội thảo được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 103 vào sáng 6/12.

Theo PGS Thắng, trong những năm gần đây sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự biến đổi khí hậu, môi trường sống tạo ra nhiều thay đổi về cơ cấu bệnh tật.

Đáng chú ý, đột quỵ vốn là bệnh của tuổi già nhưng nay lại trẻ hóa nhanh chóng.

“Chúng ta có thể thấy các yếu tố nguy cơ và cơ cấu bệnh tật khiến đột quỵ đang trở thành một gánh nặng lớn không chỉ với bệnh nhân mà còn gia đình và toàn xã hội”, PGS Thắng phân tích.

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 nhấn mạnh, Việt Nam là một trong các khu vực có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có người hơn 20 tuổi đã mắc bệnh - 2

PGS.TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 (Ảnh: Minh Nhật).

Hàng năm, nước ta có trên 200.000 ca đột quỵ. Đáng nói, đây là số liệu cũ và chưa phản ánh được sự nghiêm trọng của đột quỵ ở nước ta trong những năm gần đây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ 2 trong nhóm 10 bệnh lý nội khoa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đột quỵ lại đứng đầu trong bảng xếp hạng này.

“Chúng ta có thể thấy các trung tâm đột quỵ ở các tuyến thường xuyên trong tình trạng quá tải. Ví dụ như Bệnh viện 115 mỗi năm thu dung trên 20.000 ca đột quỵ. Ở Bệnh viện Quân y 103, con số này là hơn 2.500 bệnh nhân.

Số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng ngày càng tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế. Lực lượng điều trị đột quỵ dù tăng lên nhưng chưa phát triển kịp theo lượng gia tăng của đột quỵ”, PGS Đài chỉ rõ.

Chống đột quỵ: Vai trò y tế cơ sở đặc biệt quan trọng

Theo PGS Đài, đột quỵ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội. Khi người bệnh bị đột quỵ, tỷ lệ hồi phục thấp. Tỷ lệ chung của các nghiên cứu gần đây cho thấy, hồi phục đột quỵ mức 0-1 là hồi phục tốt chỉ ở mức 32,4%;  tàn tật hoặc tàn phế nặng là 28%; tử vong 13%.

Các chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố thời gian vô cùng quan trọng trong điều trị đột quỵ. Thế giới gọi “thời gian là não” vì vậy bác sĩ phải chẩn đoán kịp thời và điều trị hiệu quả nhất.

Theo PGS Tạ Bá Thắng, trong chẩn đoán đột quỵ quan trọng nhất là định hướng chẩn đoán sớm. Muốn chẩn đoán sớm, vai trò quan trọng nhất là bác sĩ tuyến y tế cơ sở phải có kỹ năng lâm sàng nhận biết tốt. Từ đó, mới có thể triển khai tiếp cận và có phương pháp xử lý kịp thời hiệu quả.

Về vấn đề này, theo PGS Đài, ekip cấp cứu đột quỵ cũng như một ekip thay lốp của xe đua công thức một: Phải có mô hình hiệp đồng, thật nhanh và chính xác.

Các chuyên gia đều chung quan điểm, phải phối hợp giữa các tuyến mới giải quyết được các vấn đề cần rất nhanh và xử lý hiệu quả như đột quỵ. Bên cạnh đó, một mấu chốt quan trọng khác là tận dụng nguồn cung thuốc và thiết bị kỹ thuật để điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Video: Đoàn Thủy


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *