Ngày 11/12/2019, tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, một căn bệnh viêm phổi lạ lần đầu tiên được báo cáo.
Ít ai ngờ rằng sự xuất hiện của căn bệnh sau này được biết đến với tên gọi gây ám ảnh – Covid-19, lại trở thành cơn bão thay đổi hoàn toàn thế giới.
Chỉ trong vòng vài tháng, từ một cụm dịch tại khu chợ hải sản ở Vũ Hán, Covid-19 nhanh chóng lan ra toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống của hàng tỷ người.
Nhân loại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, cả về y tế, kinh tế lẫn xã hội. Sau 5 năm, khi nhìn lại, những dấu ấn của đại dịch vẫn còn rõ nét, là một phần của lịch sử hiện đại.
Từ căn bệnh lạ ở khu chợ hải sản đến đại dịch toàn cầu
Ngày 31/12/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận được thông báo từ chính quyền Trung Quốc về một cụm ca viêm phổi bí ẩn liên quan đến khu chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán.
Đến ngày 9/1/2020, WHO xác nhận rằng căn bệnh này do một loại virus corona chưa từng được biết đến gây ra. Đây là bước đầu tiên trong chuỗi sự kiện dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Chỉ trong vài tuần, thành phố Vũ Hán – nơi sinh sống của hơn 11 triệu người – đã trở thành tâm dịch, bị phong tỏa hoàn toàn từ ngày 23/1/2020. Các lệnh cách ly nghiêm ngặt được áp dụng, biến một đô thị sôi động thành “thành phố ma”.
Hình ảnh những con phố vắng lặng, bệnh viện quá tải và những bệnh nhân đang vật lộn với căn bệnh chưa rõ nguyên nhân đã khiến cả thế giới bàng hoàng.
Chỉ trong vòng vài tháng, Covid-19 lan ra mọi châu lục, gần như không một quốc gia nào tránh khỏi sự tàn phá của đại dịch.
11/3/2020: WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, sau khi số ca nhiễm vượt ngưỡng 118.000 tại 114 quốc gia.
2020-2021: Đại dịch đạt đỉnh tại nhiều quốc gia với hàng triệu ca nhiễm mới mỗi ngày. Các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại và cách ly xã hội được áp dụng trên diện rộng.
2021: Vaccine Covid-19 được phát triển và phân phối nhanh chóng. Các loại vaccine như Pfizer, Moderna và AstraZeneca trở thành vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
2022-2023: Dù đại dịch dần được kiểm soát nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều biến thể mới của virus tiếp tục xuất hiện, đặt ra những thách thức mới.
Những ngày tháng không quên của người Việt
23/1/2020 (ngày 29 Tết Canh Tí), Việt Nam chính thức đối mặt với đại dịch Covid-19, khi ông Li Ding và con trai được Bộ Y tế công bố là 2 trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.
Hai bệnh nhân là người Trung Quốc. Trong đó, người cha từ tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, có bệnh nền rất nặng.
Trên thực tế, cuộc chiến với đại dịch đã được Việt Nam chuẩn bị ngay từ khi những ca bệnh viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc được báo cáo.
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020 sẽ là khoảng thời gian in đậm trong trí nhớ của người dân xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, khi lần đầu tiên những người dân trong xã biết thế nào là cách ly hoàn toàn với xã hội bên ngoài.
Xã Sơn Lôi, với hơn 11.000 nhân khẩu, cũng là nơi bùng phát dịch nặng nhất, trải qua 21 ngày cách ly y tế “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, từ 12/2 tới hết 3/3.
Đối mặt với dịch bệnh “lạ”, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch được phát triển dựa trên kinh nghiệm và tình hình thực tế của nước ta.
Điển hình là chiến lược “Bốn tại chỗ”: Điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ.
22h30 ngày 6/3/2020, Cuộc họp khẩn của UBND thành phố Hà Nội về ca Covid-19 mới được ghi nhận trên địa bàn đã báo hiệu một đêm “mất ngủ” của người dân Thủ đô.
BN17 là nữ, 26 tuổi, đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý, Pháp du lịch và trở về Hà Nội 4h30 ngày 2/3 trên chuyến bay VN0054. Đáng chú ý, khi nhập cảnh, bệnh nhân không trung thực khi khai báo lịch trình di chuyển qua vùng dịch của mình nên “lọt kiểm soát”.
0h ngày 1/4/2020, lần đầu tiên việc giãn cách xã hội được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, theo Chỉ thị Số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 7/2020, Đà Nẵng trở thành tâm điểm của làn sóng dịch mới khi các ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện sau hơn 99 ngày không có ca mắc mới trong nước.
Khởi đầu với Bệnh viện C và sau đó là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình trở thành mục tiêu của Covid-19 và phải tiến hành phong tỏa.
Việc cả 4 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng bị phong tỏa ngay khi vừa “lâm trận”, được Bộ Y tế nhận định là một bài học lớn cho công tác chống dịch Covid-19.
Đây là giai đoạn Việt Nam chứng kiến ca tử vong đầu tiên do Covid-19 và cũng là giai đoạn thử thách lớn với hệ thống y tế. Tuy nhiên, nhờ vào sự quyết liệt trong truy vết, cách ly, và điều trị, làn sóng dịch này đã được kiểm soát vào tháng 9/2020.
Sáng 8/3/2021, mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được tiêm. Trong đợt đầu, đối tượng tiêm chủng là các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương; tiếp đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Những mũi tiêm mở đầu một chương trình tiêm chủng mở rộng lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 100 triệu mũi trong năm 2021.
Tháng 4/2021, biến thể Delta xuất hiện, gây ra làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Việt Nam.
Tâm dịch bắt đầu từ Bắc Giang và Bắc Ninh, sau đó lan mạnh đến Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đây là thời điểm Việt Nam ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Hệ thống y tế chịu áp lực chưa từng có.
Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố. TPHCM trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, với số ca mắc và tử vong tăng cao.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ/CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi chiến lược từ “zero Covid-19” sang “thích ứng Covid-19”.
Ngày 20/10/2023, Covid-19 không còn được xếp vào nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Trong năm 2023 số ca mắc đã giảm 82 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ ca tử vong/ca mắc là 0,022, tức là giảm 100 lần so với năm 2021.
Tác động sâu rộng trên toàn cầu
“Phép thử” làm bộc lộ điểm yếu y tế
Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống y tế của nhiều quốc gia. Từ các quốc gia phát triển như Mỹ và châu Âu đến những nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á, các bệnh viện đều rơi vào tình trạng quá tải.
Nhân viên y tế, vốn đã phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao và áp lực tâm lý nặng nề.
Cơn bão chưa từng có với kinh tế
Đại dịch đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng triệu doanh nghiệp phá sản và hàng tỷ người mất việc làm.
Năm 2020, GDP toàn cầu giảm 3,5%, mức suy giảm lớn nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930. Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào giao thương và di chuyển như du lịch, hàng không và bán lẻ chịu tổn thất nặng nề. Tại Việt Nam, GDP năm 2020 chỉ tăng trưởng 2,91%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm.
Tuy nhiên, một số ngành lại chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc nhờ đại dịch, đặc biệt là công nghệ thông tin, thương mại điện tử và y tế từ xa. Những công ty như Amazon, Zoom và các nền tảng học trực tuyến đã trở thành “người thắng cuộc” trong bối cảnh khủng hoảng.
Xã hội: Những thay đổi không thể đảo ngược
Covid-19 đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp. Việc học tập và làm việc trực tuyến trở thành “bình thường mới”, tạo ra những thách thức và cơ hội mới. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình làm việc từ xa lâu dài, trong khi các trường học phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để đảm bảo giáo dục không bị gián đoạn.
Về tâm lý, đại dịch để lại những hậu quả nặng nề. Sự cô lập, nỗi lo sợ về sức khỏe và mất mát người thân đã khiến tỷ lệ trầm cảm và lo âu tăng cao trên toàn cầu. Nhiều người, đặc biệt là nhân viên y tế, vẫn đang phải đối mặt với những tổn thương tâm lý kéo dài.
Theo nhiều chuyên gia, Covid-19 là sự kiện để báo động con người cần nhìn vào những gì thật sự cần thiết cho bản thân và gia đình. Do đó, sau Covid-19, người dân có xu hướng quan tâm đặc biệt tới sức khỏe
Sống khác hậu Covid-19
Đến cuối năm 2024, Covid-19 đã trở thành một phần của “bình thường mới”. Dù vẫn còn những ca mắc mới và các biến thể mới của virus xuất hiện, thế giới đã học cách sống chung với căn bệnh này.
Các quốc gia đang tập trung vào việc tăng cường hệ thống y tế, nghiên cứu phát triển vaccine thế hệ mới và xây dựng các kế hoạch ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Nhìn lại 5 năm qua, đại dịch Covid-19 là một bài học lớn cho nhân loại về sự mong manh của cuộc sống, nhưng cũng là minh chứng cho khả năng vượt khó và sáng tạo của con người.
Nó không chỉ là một chương đen tối trong lịch sử mà còn là động lực để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Covid-19 dù đáng sợ và đau thương, cũng đã để lại những di sản quý giá – Là lời nhắc nhở rằng chỉ khi đoàn kết, chúng ta mới có thể vượt qua mọi thách thức.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Dân trí, BS Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, 5 năm từ khi Covid-19 xuất hiện, có những bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị với Việt Nam trong công tác đáp ứng các vấn đề y tế công cộng.
“Có một vấn đề mà chúng tôi nhìn nhận được ở Việt Nam và cũng khá phổ biến ở các quốc gia khác là mức độ sẵn sàng để ứng phó không đồng đều ở các địa phương.
Ví dụ, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM có hệ thống y tế tiên tiến hơn và sẵn sàng đáp ứng hơn khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, các tỉnh vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn trong việc huy động và phân bổ nguồn lực.
Như vậy chúng ta có thể rút ra bài học rằng, việc có nguồn lực mạnh ở địa phương là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ những nơi không có đủ nguồn lực”, BS Eric Dziuban nhấn mạnh.