Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì?
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, thường được gọi là một cơn đột quỵ nhỏ, xảy ra khi não bị thiếu máu tạm thời.
Khi bạn bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, một hoặc nhiều động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, do mảng bám hoặc cục máu đông. Tình trạng này thường cải thiện trong vòng vài phút, tránh tổn thương não vĩnh viễn.
Các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua giống như các triệu chứng của đột quỵ, nhưng chỉ kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ. Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ sử dụng từ viết tắt FAST để giúp mọi người phát hiện các dấu hiệu của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ.
Chúng bao gồm:
– F (Face) – Mặt chảy xệ: Bạn có thể thấy một bên mặt chảy xệ hoặc trông có vẻ tê liệt. Nếu người đó cười, khuôn mặt có thể trông không đều.
– A (Arm) – Yếu tay: Một bên tay có thể yếu hoặc tê liệt. Nếu bạn giơ cả hai tay lên, một bên có thể trôi xuống dưới.
– S (Speech) – Khó nói: Người bệnh có thể bị líu lưỡi.
– T (Time) – Thời điểm gọi cấp cứu: Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Bạn không bao giờ được bỏ qua cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Đây là cảnh báo rằng bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ toàn diện.
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua hay đột quỵ toàn diện?
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là đột quỵ trong đó tình trạng tắc nghẽn chỉ là tạm thời và các triệu chứng thường cải thiện trong vòng một giờ. Vì không có cách nào để biết ngay các triệu chứng của bạn là do cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hay đột quỵ toàn diện, bạn hãy luôn coi đó là trường hợp khẩn cấp để gọi cấp cứu ngay lập tức.
Nguy cơ đột quỵ sau khi bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Điều quan trọng là phải coi trọng các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Mặc dù các triệu chứng chỉ là tạm thời, nhưng bạn có nguy cơ cao hơn nhiều bị đột quỵ hoàn toàn. Khoảng một phần ba số người bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cuối cùng sẽ bị đột quỵ hoàn toàn.
Nguy cơ cao nhất trong vòng 48 giờ đầu tiên, có tới 10% số người bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua sẽ bị đột quỵ thực sự trong vòng vài ngày. Nguy cơ đột quỵ cũng có thể cao hơn nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau đây:
– Bệnh tiểu đường type 2.
– Tuổi từ 60 trở lên.
– Huyết áp cao.
– Yếu ở một bên cơ thể trong thời gian bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
– Vấn đề về giọng nói trong thời gian bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
– Các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua kéo dài trong một giờ hoặc lâu hơn.
– Bệnh tim hiện có (động mạch bị tắc nghẽn hoặc hẹp nghiêm trọng).
Thông thường, bạn không cần phải nhập viện để điều trị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Tuy nhiên, bạn sẽ được kê đơn một số loại thuốc nhất định để giảm nguy cơ bị đột quỵ hoàn toàn như thuốc chống tiểu cầu, thuốc chống đông máu…
Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để điều trị các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
Thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa đột quỵ sau cơn thiếu máu não thoáng qua
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 80% các cơn đột quỵ có thể phòng ngừa được. Những thay đổi lối sống sau đây có thể giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ hoàn toàn sau cơn thiếu máu não thoáng qua.
Chế độ ăn
Theo một nghiên cứu của Harvard được công bố trên tạp chí Neurology, chế độ ăn lành mạnh, giàu thực vật, giàu các loại thực phẩm như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu có vẻ như giúp giảm nguy cơ đột quỵ nói chung khoảng 10%.
CDC khuyến cáo bạn cũng nên hạn chế lượng natri hoặc muối trong chế độ ăn uống để hạ huyết áp. Bạn cũng nên tránh hoặc hạn chế chất béo bão hòa, chất làm tăng mức cholesterol và các chất béo bão hòa cũng có trong các thực phẩm như sữa nguyên kem, đồ chiên và thịt đỏ.
Tập thể dục
CDC khuyến nghị tất cả người lớn nên tập ít nhất 150 phút hoạt động aerobic cường độ vừa phải như đi bộ mỗi tuần. Nếu điều đó có vẻ khó khăn, hãy nhớ rằng các bài tập nhỏ như dắt chó đi dạo cũng góp phần vào mục tiêu chung này. Bạn cũng nên cố gắng đứng nhiều nhất có thể.
Một nghiên cứu được công bố trên JAMA phát hiện ra rằng những người ngồi hơn 13 giờ một ngày có nguy cơ đột quỵ tăng 44%.
Theo dõi và kiểm soát huyết áp
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể kiểm soát được số một. Theo thời gian, nó sẽ làm hỏng các động mạch, có thể dẫn đến tắc nghẽn và cục máu đông. Nếu bạn đã bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, điều quan trọng là phải đảm bảo huyết áp được kiểm soát.
Các cách bạn có thể làm bao gồm:
– Ăn chế độ ăn ít muối (cố gắng hạn chế không quá 1.500 miligam natri mỗi ngày).
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
– Tập thể dục thường xuyên.
– Hạn chế rượu bia.
– Không hút thuốc (và bỏ thuốc nếu bạn đang hút).
Nếu huyết áp của bạn đã tăng cao (cao hơn 130/80 mm Hg), bác sĩ có thể kê đơn thuốc hạ huyết áp.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Theo Mayo Clinic, nếu bạn hoặc người thân của bạn có thể bị đột quỵ, hãy chú ý đến thời điểm các triệu chứng bắt đầu. Một số phương pháp điều trị có hiệu quả nhất khi được áp dụng ngay sau khi đột quỵ bắt đầu.
Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:
– Khó nói và hiểu những gì người khác nói: Người bị đột quỵ có thể bị lú lẫn, nói lắp hoặc không hiểu lời nói.
– Tê, yếu hoặc liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân: Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể. Người đó có thể cố gắng giơ cả hai tay lên trên đầu. Nếu một cánh tay bắt đầu rơi xuống, đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Ngoài ra, một bên miệng có thể xệ xuống khi cố gắng cười.
– Có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt: Người đó có thể đột nhiên bị mờ hoặc thâm đen ở một hoặc cả hai mắt hoặc người đó có thể nhìn đôi.
– Đau đầu: Đau đầu dữ dội đột ngột có thể là triệu chứng của đột quỵ. Có thể xảy ra tình trạng nôn mửa, chóng mặt và thay đổi ý thức khi bị đau đầu.
– Khó đi lại: Người bị đột quỵ có thể vấp ngã hoặc mất thăng bằng hoặc mất phối hợp.