Tại lễ phát động đăng ký hiến tặng mô tạng, diễn ra ngày 23/12 ở TPHCM, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, ghép tạng là thành tựu lớn nhất nhân loại trong thế kỷ 20.
Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não ở Việt Nam thấp nhất khu vực
Ở Việt Nam, chúng ta đã thành công trong việc ghép hầu hết các tạng, đã hình thành nên các chuỗi bệnh viện hiến và ghép tạng. Việt Nam cũng là nước có số ca ghép tạng cao nhất Đông Nam Á (trên 1.000 ca).
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn vì nguồn hiến tạng còn rất hạn hữu, chủ yếu là người cho sống. Trong khi ở các nước, tạng hiến chủ yếu từ người cho chết não.
Bà Tiến đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thời gian qua, trong việc thực hiện các kỹ thuật ghép thận, chia đôi gan ghép, ghép tim.
Bệnh viện cũng là đầu mối thành lập Liên chi hội Vận động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người khu vực Nam Bộ, để làm sao có nguồn cho tạng từ người chết não nhiều hơn, giúp cứu sống được nhiều trường hợp hơn.
“Hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng cho người bệnh. Cho đi là còn mãi”, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến nhắc lại lời phát động của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5.
Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc, Chủ tịch Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ chia sẻ, hiện nay trình độ kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng với trình độ trên thế giới.
Mỗi năm, Việt Nam ghép thận trung bình 1.000 ca, ghép gan trung bình khoảng 100 ca. Với ghép tim, đến nay Việt Nam đã ghép được 90 ca, 13 ca ghép phổi, 2 ca ghép tụy… Nếu tính ghép tạng từ người cho sống, Việt Nam cao hơn Thái Lan, Malaysia và nhiều nước khác (tỷ lệ 9 ca/1 triệu dân).
Nhưng ghép từ nguồn người cho chết não, Việt Nam lại có tỷ lệ thấp nhất khu vực. Theo số liệu thống kê, nước ghép tạng từ nguồn cho chết não là Tây Ban Nha, với 49 ca/1 triệu dân. Ở Thái Lan, tỷ lệ này là hơn 6 ca/triệu dân, nhưng tại Việt Nam chỉ đạt mức 0,15 ca/1 triệu dân.
Nguồn cho vô cùng hiếm, các bệnh viện chờ đợi nhiều năm trời chỉ có được vài ca hiến tặng, và việc nhận cũng rất khó khăn. Đến nay, Việt Nam đã có 35-36 ca hiến tạng từ người cho chết não, với trường hợp gần nhất thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
“Việc ra đời Chi hội Vận động hiến mô tạng sẽ giúp phát triển được vấn đề ghép tạng, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết nguồn lực, xây dựng được mạng lưới truyền thông để vận động cộng đồng, xã hội cùng vào cuộc…
Từ việc liên kết, chúng tôi sẽ xây dựng quy trình, để làm sao việc hiến ghép mô tạng được minh bạch, rõ ràng, đúng quy định… thay đổi được quan điểm “chết phải toàn thây” của người dân xưa nay. Chết không phải là kết thúc, mà là hành trình tiếp nối của sự sống…”, Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc nói.
2 vấn đề cần giải tỏa
Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TPHCM), Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ, ông bắt đầu đăng ký hiến mô tạng từ năm 2010, và đăng ký lần 2 vào năm 2014. Cũng từ năm này, chùa Giác Ngộ bắt đầu chương trình vận động hiến mô tạng.
Đến nay sau 11 năm triển khai, có hơn 7.500 người đăng ký hiến mô tạng tại chùa Giác Ngộ. Năm 2023 là năm có số lượng đăng ký hiến mô tạng cao nhất, với gần 1.500 người. Tuy nhiên trong năm 2024, số người đăng ký hiến mô tạng qua chùa giảm so với các năm (đến nay chưa đến 600 trường hợp).
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, có 2 khó khăn cần được giải tỏa. Thứ nhất, vấn đề không chấp nhận việc “chết không toàn thây” là quan niệm sai lầm. Hiến mô tạng không ảnh hưởng đến việc “tái sinh”, mà còn giúp tạo phước, vì thông qua đó cứu được 6-8 người.
Thứ hai, một số người cho rằng, trong vòng 8 tiếng đồng hồ sau khi chết không được đụng vào thi thể, sẽ không tốt cho người mất. Tuy nhiên theo đạo Phật, trong vòng tích tắc sau khi chết, tâm thức đã thoát khỏi cơ thể, không còn cảm giác để nhận biết.
“Giải tỏa được 2 nhận thức này, cộng đồng sẽ đến hiến mô tạng nhiều hơn. Chúng ta cần phải truyền thông để gia đình người chết não thấy giá trị của việc trên, là cơ hội tạo ra sự tái sinh cho người khác ngay trong kiếp sống này, mà không cần chờ đợi sau khi qua đời…
Nhân dịp này, tôi tha thiết kêu gọi cộng đồng Phật tử toàn quốc, về việc hiến mô tạng là một phần của học thuyết “bố thí nội tài”. Đức Phật đã dạy, cứu người qua hành động từ bi cụ thể còn có giá trị hơn cả việc phụng sự các Đức Phật.
Đây cũng là cơ hội rất tốt để chúng ta thực hiện vô ngã, vị tha, lan tỏa và tiếp nối sự sống”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.