Hai concert 'Anh trai' và 53.200 tỷ đến từ công nghiệp văn hóa


Lời tòa soạn: 2024 là năm bùng nổ của các sản phẩm văn hóa, chương trình nghệ thuật chất lượng với quy mô lớn, được công chúng đón nhận rộng rãi. Việc khai thác hiệu quả các chất liệu đa dạng của văn hóa truyền thống với cách thức đổi mới sáng tạo đang mở ra hướng đi mới mẻ, nhiều triển vọng cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

2025 là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp văn hóa phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước. VietNamNet thực hiện loạt bài về góc nhìn và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam với ý kiến của các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà quản lý uy tín.

8 ngành công nghiệp văn hóa có thể đạt 53.200 tỷ vào năm nay

Năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.

Có thể kể đến loạt chương trình TP Hà Nội tổ chức như: Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Liên hoan phim Quốc tế TPHCM lần thứ nhất, chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Lễ hội pháo hoa Quốc tế tại TP Đà Nẵng, Festival Ninh Bình lần thứ III với chủ đề Dòng chảy di sản, chương trình Festival Bốn mùa tại Huế.

Đến nay, có 3 thành phố được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận: Hà Nội là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế; Đà Lạt là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc; Hội An là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

TPHCM – nơi được xem là đầu tàu của cả nước về lĩnh vực văn hóa – giải trí trong những năm qua có nhiều bước chuyển mình ấn tượng.

Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố lựa chọn 8 lĩnh vực để phát triển gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.

Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của thành phố khoảng 148.000 tỷ đồng (đến năm 2025 là 53.200 tỷ đồng; đến năm 2030 là 94.800 tỷ đồng).

Cơ quan quản lý cho rằng lĩnh vực công nghiệp văn hóa của thành phố được xem là “sức mạnh mềm” của địa phương, có thể trở thành công cụ, cách thức “mở đường”, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

NSND Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM khẳng định thành phố là địa phương tiên phong, sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa nhiều năm qua, mang lại nhiều giá trị cho xã hội. 

Điều đó thể hiện qua các chương trình vừa được tổ chức như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô, Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF), các concert của cá nhân và tập thể nghệ sĩ… Tất cả chỉ mới là bước đầu và cần nhiều hơn nữa giải pháp nhân rộng cho kế hoạch đường dài. 

Các đêm nhạc, sự kiện quy mô tầm cỡ do chính những nhà sản xuất Việt Nam thực hiện với sự tham gia của các nhà tổ chức, quản lý, ngành công nghiệp phụ trợ, nghệ sĩ và cộng đồng khán giả. Sự kiện thu hút được sự quan tâm của công chúng và báo giới, nhà quản lý và lãnh đạo các cấp. 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *