Theo báo cáo từ công ty dữ liệu ô tô JATO Dynamics, xe điện Trung Quốc đang ngày càng rẻ hơn, trong khi điều ngược lại đang diễn ra ở châu Âu và Mỹ. Sự thực này đang gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất ô tô phương Tây. Nhiều hãng xe lớn như Ford, General Motors, Mercedes-Benz và Volkswagen dường như đã cảm thấy “ngấm đòn” khi doanh số liên tục sụt giảm trong thời gian qua.
Trước ảnh hưởng của xe điện Trung Quốc, Mỹ đã ban hành một số chính sách nhằm bảo vệ nền công nghiệp ô tô ở quốc gia này. Theo đó, những khách hàng mua xe điện được sản xuất tại Mỹ sẽ nhận được một khoản trợ cấp trị giá 7.500 USD. Đồng thời, chính quyền tổng thống Biden cũng tăng mức thuế áp dụng lên các linh kiện ô tô sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Châu Âu hiện chưa có chính sách trợ giá tương tự như Mỹ, nhưng cũng đang nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các hãng xe Trung Quốc.
JATO Dynamics cho biết xe điện Trung Quốc có lợi thế rất lớn về giá trước các đối thủ đến từ châu Âu và Mỹ: “Khoảng cách giá ngày càng lớn, giá bán lẻ trung bình của một chiếc ô tô điện Trung Quốc hiện chỉ bằng một nửa giá xe ở châu Âu và Mỹ. Giá trung bình xe điện tại châu Âu là 70.462 USD, còn tại Mỹ là 71.683 USD. Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá trung bình xe điện chỉ là 32.842 USD”.
Thống kê cũng cho thấy giá xe điện ở châu Âu và Mỹ cao hơn nhiều so với ô tô dùng động cơ đốt trong. Hiện nay, người dùng cần chi ra số tiền lần lượt là 19.500 USD và 25.800 USD để mua một chiếc xe điện rẻ nhất tại hai khu vực này, trong khi mức giá thấp nhất cho một chiếc ô tô chạy xăng chỉ dao động trong khoảng 10.000 USD. Ngược lại, giá trung bình xe điện ở Trung Quốc thấp hơn khoảng 8% so với xe xăng.
Với cùng một số tiền bỏ ra, người dân tại Trung Quốc có thể mua được một chiếc xe cao cấp hơn hẳn so với châu Âu. BYD Seal – một chiếc sedan bình dân cỡ trung, công suất 204 mã lực – giá chỉ 26.197 USD. Ở châu Âu, đối thủ gần nhất về giá là Renault Twingo Equilibre – mẫu xe đô thị có kích thước ngang Kia Morning, công suất chưa tới 90 mã lực.
Sự phát triển của ô tô điện tại Trung Quốc được hậu thuẫn bởi chính phủ. Trong giai đoạn từ 2016 tới 2022, chính quyền Bắc Kinh đã rót tới 57 tỷ USD và miễn thuế để hỗ trợ các hãng xe nội địa. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng có lợi thế trước các đối thủ phương Tây về chi phí lao động. Mức lương trung bình theo giờ tại châu Âu hiện gấp 10 tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh các hãng ô tô Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh sản xuất xe điện thì các thương hiệu ô tô lớn đến từ phương Tây lại có động thái ngược lại. Tuần trước, giá cổ phiếu của Ford đã giảm mạnh sau khi hãng này báo cáo khoản lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh xe điện, do áp lực từ cuộc chiến giá cả do Tesla gây ra.
Ford cũng cắt giảm sản xuất Mustang Mach-E và thu hẹp lại kế hoạch đầu tư xe điện trị giá 12 tỷ bảng Anh. GM đã cắt giảm dự báo lợi nhuận vào đầu tuần và cho biết họ sẽ từ bỏ kế hoạch sản xuất 100.000 xe điện trong nửa cuối năm nay và 400.000 xe khác trong nửa đầu năm 2024 nhưng không cho biết khi nào các mục tiêu này sẽ được khôi phục. Mercedes thừa nhận nhu cầu của khách hàng đối với xe điện của hãng thấp hơn mức dự kiến. Trong khi đó, Volkswagen cũng đã phải cắt giảm sản lượng xe điện dưới mức mong đợi.
Thái Sơn (theo Forbes)