Ngày 3/11, tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đã diễn ra buổi tập huấn nâng cao năng lực về tác hại hoạt động buôn bán thịt chó, mèo và phòng chống bệnh dại trong học đường.
Ông Đỗ Quốc Trinh, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y vùng 1, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, tại nước ta bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 71 ca tử vong do dại tại 28 tỉnh, thành, trong khi con số này của năm 2022 là 64 ca tại 25 tỉnh, thành.
Bệnh dại là bệnh viêm não cấp tính do virus, lây từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của súc vật bị bệnh. Cả súc vật và người bị bệnh dại đều dẫn đến tử vong. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người.
Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, vì chủ quan nhiều người đã phải trả một cái giá quá đắt bằng chính tính mạng của mình.
Theo Bộ Y tế, năm nay dịch bệnh xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại…
Không chỉ gia tăng số ca tử vong, thực tế số người bị chó mèo cắn đến tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại cũng tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, phòng Khám – Tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm huyết thanh kháng dại cho 271 người, trong đó trên 70% trường hợp ở Hà Nội và gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi.
Ngoài ra, có 326 người được tiêm vaccine dại với 679 liều tiêm, trẻ dưới 15 tuổi chiếm chủ yếu (khoảng 60%). Số mũi tiêm vaccine phòng dại trong 9 tháng đầu năm tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Rahul Sehgal, Giám đốc về Chính sách Quốc tế, Tổ chức Soi Dog International Foundation, cho biết: “Bằng việc cung cấp kiến thức, thông tin và những kỹ năng cần thiết, chúng tôi tin rằng thanh thiếu niên Việt Nam có thể thúc đẩy những thay đổi xã hội tích cực, phòng chống bệnh dại, sống an toàn – nhân đạo với vật nuôi”.
Theo ông, điều này giúp đẩy lùi bệnh dại và nhiều bệnh truyền nhiễm khác từ chó, mèo sang con người.
Bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc Bộ phận Truyền thông Thay đổi Hành vi của Intelligentmedia, cho biết thêm, kiến thức không đủ để thay đổi hành vi nhưng nó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động. Đây là nền tảng đầu tiên trong quá trình thay đổi hành vi.
Khóa đào tạo cung cấp lý thuyết và kiến thức chung về bệnh dại, phòng chống bệnh dại liên quan đến nuôi an toàn, buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo và các kỹ năng cần thiết để nâng cao kiến thức và năng lực cá nhân của các thầy, cô giáo trong việc lồng ghép nội dung này vào các tiết học ngoại khóa tại trường học.
Các thầy, cô giáo và các em học sinh sẽ hiểu vì sao cần phải hiểu rõ về bệnh dại, phòng chống bệnh dại, sống an toàn và nhận đạo với vật nuôi từ đó hướng tới chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó và mèo.