“Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa…”


Ngày 29/4, buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm hành trình ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã diễn ra, với những cuộc gặp gỡ đặc biệt và xúc động.

Những đứa con “tái sinh” bằng lá gan của mẹ

Có mặt tại bệnh viện từ sáng sớm, T.G. (20 tuổi) vui vẻ cùng mẹ gặp lại những nhân viên y tế liên quan đến ca ghép gan cho cô vào 20 năm trước. Nhiều nhân viên y tế xúc động, ôm chầm lấy G., khi thấy em bé gầy guộc, vàng da yếu ớt ngày nào đã trở thành một nữ sinh xinh đẹp, tương lai rộng mở.

Em cũng là một trong những bệnh nhi ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và khu vực phía Nam.

Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 1

Buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm hành trình ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Từ những ngày mới chào đời, G. đã được phát hiện mắc căn bệnh teo đường mật bẩm sinh. Ghép gan là cứu cánh cuối cùng để níu giữ sự sống. 10 tháng tuổi, cô bé chính thức bước vào ca ghép gan, với nguồn gan hiến từ mẹ ruột.

Theo G., những ngày còn nhỏ khi mới bắt đầu duy trì thuốc thải ghép, cô thường xảy ra dị ứng da và dễ bệnh vặt, nhưng theo thời gian cơ thể đã dần quen với liệu trình điều trị.

Hiện tại, cô gái 20 tuổi sinh hoạt và học tập bình thường, có thể chơi các môn thể thao vận động nhiều như cầu lông và làm được mọi thứ yêu thích.

“Hiện tại, em vẫn uống 2 viên thuốc chống thải ghép mỗi ngày, nhưng không cần kiêng gì cả. Em muốn nói với mẹ, rằng con lúc nào cũng biết ơn mẹ. Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa.

Với những gia đình bệnh nhân đang chờ ghép, hy vọng mọi người cứ bước tiếp, không được bi quan vì tinh thần là quan trọng nhất. Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Rồi có ngày, mọi thứ tốt đẹp nhất sẽ đến”, T.G. nói.

Tương tự, Kh. (17 tuổi, quê Đồng Nai) cũng nhận phần gan hiến từ mẹ ruột, khi chưa tròn 1 tuổi. Đến nay, cô bé đã là nữ sinh lớp 11 tại trường chuyên của địa phương, sức khỏe hoàn toàn ổn định.

“Ngày được ghép gan, em còn quá nhỏ nên không biết gì, chỉ nghe kể lại rằng mẹ phải kiêng cữ rất nhiều để hiến gan cho em. Bây giờ, mọi thứ trong cuộc sống của em đã rất ổn.

Cảm ơn mẹ vì đã giúp em có được sự sống lần thứ 2. Mong các bé đang điều trị đều có cơ hội ghép gan, mong các gia đình luôn giữ vững tinh thần trên hành trình rất dài cùng con mình. Và mong nền y học, ghép tạng của Việt Nam ngày càng phát triển”, Kh. bày tỏ.

Ngồi cuối hội trường chờ chương trình bắt đầu, chị Thanh Mỹ (27 tuổi) cho biết, tháng 8/2024, con chị là bé K. (2 tuổi) đã được ghép gan, sau hơn 1 năm chờ đợi. Trước đó, bé đã có dấu hiệu vàng da kéo dài ngay khi chào đời, 20 ngày tuổi đã phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh.

Để tìm đường sống cho con, người mẹ đã liên hệ nhiều cơ sở y tế chuyên khoa Nhi ở phía Nam. Tuy nhiên vì thời điểm hậu Covid-19 có nhiều khó khăn, chương trình ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tạm hoãn. Sau đó, các bác sĩ khoa Ngoại Gan Mật Tụy và Ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 giới thiệu chị Mỹ đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 5

Gia đình bé K. tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Để có tiền lo chi phí di chuyển, vé máy bay từ Nam ra Bắc và viện phí điều trị, vợ chồng chị Mỹ đã làm mọi cách có thể, bán đi nhiều tài sản như nhà, đất đai. Cuối cùng, quả ngọt đã đến với họ, khi sau ca ghép gan, cháu bé đã thoát cửa tử.

“Tôi thấy mình dù khó khăn nhưng thật may mắn, khi cuối cùng con cũng tìm được sự sống. Cảm ơn các bác sĩ và bệnh viện, cảm ơn tất cả”, người mẹ trẻ nói trong niềm hạnh phúc.

Hành trình của tiến bộ y học và tình người

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, 20 năm ghép gan là hành trình của sự tái sinh, của tiến bộ y học và trên hết là tình người, là dấu ấn thiêng liêng được viết nên bằng trí tuệ, bản lĩnh và cả sự hy sinh thầm lặng.

Vào thời điểm những ca ghép gan đầu tiên được thực hiện, Bệnh viện Nhi đồng 2 đứng trước muôn vàn thử thách, từ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho đến nguồn nhân lực và kỹ thuật chuyên môn.

Nhưng với khát vọng mang lại cơ hội sống cho những trẻ em mắc bệnh lý gan mật bẩm sinh nguy kịch, các bác sĩ đã bắt đầu con đường đầy cam go nhưng vô cùng cao quý.

Đến nay, 53 ca ghép gan đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Hàng chục em bé từng mong manh giữa ranh giới sinh tử nay đã được hồi sinh, lớn lên khỏe mạnh, có thể đến trường, vui đùa bên bạn bè và sống cuộc đời trọn vẹn bên gia đình.

Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 6

Một trong các ca ghép gan đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: BV).

“20 năm không chỉ là hành trình của chuyên môn y khoa mà còn là hành trình của lòng trắc ẩn, của sự yêu thương và sẻ chia. Đó là tình yêu thương vô điều kiện của bậc cha mẹ – những người sẵn sàng đánh đổi tất cả để giành lại sự sống cho con mình.

Đó là sự hy sinh cao cả của những người hiến gan – những người hùng thầm lặng đã trao đi một phần cơ thể để cứu một sinh linh bé bỏng. Đồng thời cũng là sự đồng hành quý báu của các tổ chức quốc tế, mạnh thường quân, để mỗi đứa trẻ có thêm một cơ hội được sống và phát triển.

Xin thay mặt Bệnh viện bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và chân thành đến tất cả. Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ không ngừng đổi mới và hoàn thiện, để ngày càng có thêm nhiều trẻ em được sống một cuộc đời trọn vẹn”, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng khẳng định.

Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, 20 năm trước với sự dẫn dắt và tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, các thầy cô – đặc biệt là sự khởi đầu đầy quyết tâm của Anh hùng lao động, Giáo sư Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 – trong bối cảnh hàng loạt thiếu thốn, việc ghép gan đã triển khai thành công.

Đến nay, Bệnh viện đã ghép gan được 53 ca, và cách đây 1 tháng đã thực hiện ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên. Đây là bước tiến về kỹ thuật ghép gan của đơn vị.

Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 7
Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 8

Trong 53 ca ghép gan thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 suốt 20 năm qua, có một trường hợp ghép từ nguồn tạng của người hiến chết não (Ảnh: BV).

Theo ông Dũng, cứ mỗi 1 ca ghép gan thành công, chúng ta trả lại cho gia đình và trẻ em một tuổi thơ. Thành công ngày hôm nay không thể thiếu vai trò hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế, điển hình là chuyên gia đến từ Viện trường ở Bỉ, nơi đã đồng hành trong quá trình xây dựng và phát triển việc ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2.

Sự hợp tác này không chỉ mang lại kinh nghiệm và kỹ thuật cho các y bác sĩ bệnh viện, mà còn tiếp thêm niềm tin cho TPHCM và Việt Nam trong việc phát triển nền y tế chuyên sâu.

“Tôi nhớ mãi một ngày của 20 năm trước, khi tôi may mắn được thầy Đông A cho phép chứng kiến thời khắc lịch sử của ca ghép gan đầu tiên (5/12/2025). Từ mờ sáng chúng tôi đã đến đây, và đến hơn 23h khuya, ca ghép gan đã được đưa về phòng chăm sóc đặc biệt.

Xin được cảm ơn những người đã đặt nền móng cho việc ghép tạng đầy tính nhân văn, xin tri ân những người đã hiến tạng… Và cũng xin cảm ơn các cháu bệnh nhi, là những minh chứng sống cho sự phát triển của nền y tế.

Trong tương lai, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm ghép tạng nhi khoa hàng đầu của khu vực phía Nam”, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nói.

Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 9

Anh hùng lao động, Giáo sư Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 có mặt tại chương trình (Ảnh: Hoàng Lê).

53 trẻ sống như thế nào sau khi ghép gan?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó trưởng khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan bày tỏ, bản thân rất vinh dự khi là thế hệ nối tiếp hành trình 20 năm ghép gan của bệnh viện.

Theo bác sĩ Vân, trong đại dịch Covid-19, việc ghép gan bị hoãn lại, khiến các bác sĩ phải đau lòng chứng kiến nhiều trẻ tử vong thương tâm. Sau dịch, việc ghép gan được đẩy mạnh trở lại. Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phẫu thuật ghép gan đến 28 ca.

Đến nay, trong tổng số 53 ca ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2, có 8 trường hợp tử vong sau ghép (chiếm 15%); nhiễm trùng chiếm 50%; ngoài ra có 1 tình trạng đặc biệt liên quan đến thải ghép, do bệnh nhân chủ động bỏ thuốc. Ngoài ra, gần 70% ca ghép có tràn dịch màng phổi, biến chứng ở đường ruột, đường mật…

Hầu hết các trường hợp ghép là những người mẹ đã hiến tặng lá gan cho con, sau đó là cha, cậu, dì… Có trường hợp ông nội rất cao tuổi vẫn hiến gan cho cháu, và 1 ca nhận gan hiến từ người chết não.

Mẹ không những đưa con tới thế giới 1 lần, mà còn cứu con thêm lần nữa… - 10

Nhiều trẻ khỏe mạnh sau khi được ghép gan, trở lại Bệnh viện Nhi đồng 2 để gặp gỡ những người đã cứu sống mình (Ảnh: BV).

Thống kê cho thấy, trong danh sách chờ ghép gan của bệnh viện còn hơn 100 trẻ, và mỗi tháng lại mất đi 2 trẻ. Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn chưa tự chủ được việc can thiệp nội mạch, nên khi bệnh nhi gặp biến chứng về mạch máu sau ghép gan buộc phải chuyển đi nơi khác.

Các bác sĩ tin tưởng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều giải pháp để cứu chữa tốt hơn cho những trẻ đang chờ đợi ghép.

“Ghép gan có thể giải quyết được phần gốc, nhưng sau ghép vẫn phải xử lý vấn đề như một bệnh lý mãn tính. Ngoài ra, một câu hỏi được phụ huynh thắc mắc nhiều nhất là con tôi sau ghép có thể sống được bao lâu, có thể sinh con bình thường hay không.

Chúng tôi phải cố gắng giải thích cho người nhà, rằng mảnh ghép sẽ hồi phục rất tốt, trẻ có thể sinh hoạt và sống tốt.

Một vấn đề khác là việc giữ vững tinh thần cho bệnh nhân, khi đã có trường hợp bỏ thuốc thải ghép vì thấy mình khác biệt so với những người khác, khác biệt với xã hội… Mong tất cả điều kiện sẽ đủ, để việc ghép gan được phát triển”, bác sĩ Vân Khánh hy vọng.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *