Hà Nội giám sát chặt sốt xuất huyết, đảm bảo đủ giường điều trị


Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (27/10-3/11), trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận thêm 2.590 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó).

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (218 ca), Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca).

Hà Nội cũng phát hiện thêm 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 25 quận, huyện, thị xã (tăng 7 ổ dịch so với trước đó).

Hà Nội giám sát chặt sốt xuất huyết, đảm bảo đủ giường điều trị - 1

Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết (Ảnh: Thanh Sơn).

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp để đáp ứng.

Theo ông Bùi Quốc Vương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội, ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm.

Đồng thời, ngành y tế đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Hà Nội đã chuẩn bị 4.200 giường để phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Hiện mỗi ngày tại các cơ sở y tế trung bình tiếp nhận 500 lượt bệnh nhân sốt xuất huyết ra/vào. Tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các cơ sở y tế là gần 2.900 bệnh nhân.

Ông Vương cũng khẳng định công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn đang được đáp ứng tốt, chưa có việc quá tải trong điều trị sốt xuất huyết.

“Chúng tôi có phương án điều phối bệnh nhân giữa các cơ sở y tế để đảm bảo không xảy ra hiện tượng quá tải”, ông Vương nhấn mạnh.

Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, báo Dân trí đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến cùng các bác sĩ đầu ngành với chủ đề: “Sốt xuất huyết bùng phát: Người dân cần làm gì?” Bạn đọc có thể theo dõi toàn bộ nội dung cuộc tọa đàm tại đây.

Về công tác điều trị, Hà Nội đặc biệt chú trọng mục tiêu ngăn chặn ca tử vong. Theo ông Vương, đến nay Hà Nội chỉ mới ghi nhận 4 ca tử vong do sốt xuất huyết. Số ca tử vong thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội cũng là một trong các địa phương có tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp nhất cả nước.

Về công tác dự phòng, theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh dịch lưu hành hàng năm. Do đó, kịch bản đáp ứng luôn được xây dựng rất kỹ từ trước.

Trong 10 tháng đầu năm, thành phố đã giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở. Thường xuyên tổ chức giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch.

Cộng dồn đến ngày 31/10, CDC Hà Nội đã giám sát 723 lượt điểm thuộc 5 khu vực, kết quả 358/723 số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.

Bên cạnh đó, tính đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 1.714 chiến dịch môi trường diệt bọ gậy, đạt 152% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại 100% các ổ dịch, triển khai 157 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 12 quận/huyện với 1.254l hóa chất.

Cũng theo ông Hào, sốt xuất huyết có dấu hiệu đạt đỉnh, trong vài tuần trở lại đây số lượng bệnh nhân phát hiện mới có dấu hiệu đi ngang, không tăng mạnh như giai đoạn trước đó.

 CDC Hà Nội cho rằng, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Mỗi người dân trên địa bàn phải nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi.

Trước đó, đoàn công tác do GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Qua kiểm tra, GS Lân đánh giá cao ngành y tế Hà Nội trong phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng.

GS Lân cũng đề nghị các hoạt động phòng chống phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt nhất là trong những đợt cao điểm của bệnh dịch sốt xuất huyết để khống chế số mắc và tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết các chuyên gia khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt là người ở khu vực có dịch, người có bệnh nền tuyệt đối không tư điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

Trong giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *