Ninh Bình: 2 người chết, 7 bệnh nhân trở nặng vì sốt xuất huyết


Ngày 10/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh đã xuất hiện 93 ổ dịch, trong đó có 76 ổ dịch đã kết thúc và 17 ổ dịch đang hoạt động.

Ổ dịch sốt xuất huyết kéo dài và nhiều ca bệnh nhất tại thôn 5, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, hiện vẫn phát sinh thêm trường hợp mắc, sau 2 đợt bùng phát là 18 trường hợp (đợt 1 là 7 trường hợp và đợt 2 là 11 trường hợp).

Ninh Bình: 2 người chết, 7 bệnh nhân trở nặng vì sốt xuất huyết - 1

Dịch sốt xuất huyết bùng phát nhiều nơi ở Ninh Bình, ngành y tế đang khẩn trương phòng chống dịch bệnh (Ảnh: Thanh Bình).

Hiện toàn tỉnh Ninh Bình ghi nhận 455 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó nội tỉnh là 135 và xâm nhập là 320. Số ca bệnh có độ tuổi từ 1-97 tuổi, độ tuổi trung bình là 36,5. Trong đó có 28 trẻ em dưới 15 tuổi, có một trường hợp người nước ngoài.

Trong số các ca bệnh trên, 52 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo; 7 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải chuyển viện Trung ương điều trị. Đặc biệt, đã có 2 ca bệnh tử vong vào ngày 1 và 4/11, đều là nữ, cùng trú huyện Kim Sơn (37 và 52 tuổi), mắc sốt xuất huyết sau đó biến chứng suy gan cấp và biến chứng viêm cơ tim.

Số ca mắc và số ổ dịch sốt xuất huyết tăng nhanh tại Ninh Bình trong 3 tháng gần đây. Cụ thể, tháng 10 có 219 trường hợp bị sốt xuất huyết, tháng 9 với 134 trường hợp, tháng 8 với 54 trường hợp, tháng 7 với 21 trường hợp, tháng 11 với 17 trường hợp. Chỉ trong 6 ngày đầu tháng 11, tỉnh Ninh Bình ghi nhận 17 trường hợp mắc với 2 ổ dịch mới.

Ninh Bình: 2 người chết, 7 bệnh nhân trở nặng vì sốt xuất huyết - 2

Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân cách phòng chống dịch sốt xuất huyết (Ảnh: Thanh Bình).

Ngành y tế Ninh Bình nhận định, thời tiết có mưa và nền nhiệt độ dao động từ 25-30⁰C là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển; học sinh, sinh viên đi về từ các nơi có dịch, lưu lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan.

Tại các ổ dịch ở huyện Yên Mô và TP Tam Điệp có nhiều trường hợp thứ phát. Công tác xử lý ổ dịch chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng hơn. Người dân có tâm lý chủ quan phòng chống dịch, không tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh và đến cơ sở y tế muộn.

Bác sĩ Trần Văn Thiện, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, sốt xuất huyết được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, nguy hiểm, có mức độ lây nhiễm nhanh trong cộng động, dễ bùng phát thành dịch với số mắc lớn. Người bệnh ở thể nặng nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Ninh Bình: 2 người chết, 7 bệnh nhân trở nặng vì sốt xuất huyết - 3

Cán bộ y tế hướng dẫn biện pháp phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt (Ảnh: Thanh Bình).

Theo bác sĩ Thiện, môi trường sống tại nhiều khu dân cư không đảm bảo vệ sinh, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, nhiều ao tù, nước đọng… là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, đẻ trứng và gây ra bệnh sốt xuất huyết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp hóa chất, phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cho các đơn vị mượn máy phun ULV, máy phun mù nóng để xử lý các ổ dịch.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Người dân cần tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý dùng thuốc và điều trị tại nhà.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *