Đó là trường hợp của anh C.H. (28 tuổi, ngụ tỉnh An Giang), một thợ sửa xe. Khai thác bệnh sử, vào ngày 9/11, anh H. đang tháo lắp và sửa chữa xe máy thì đột nhiên bị “vật thể lạ” bắn sâu vào trong mắt.
Tai nạn gây đau nhức dữ dội, nhưng đến sáng 10/11, chàng trai mới đến cấp cứu tại bệnh viện chuyên khoa Mắt.
ThS.BS Nguyễn Trọng Đức, Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện cho biết, qua thăm khám, bệnh nhân được phát hiện dị vật sắc nhọn tầm 2mm (như đầu một cây kim) đã ghim sâu vào tiền phòng của mắt, không thể xử lý bằng cách gấp dị vật thông thường.
Sau khi thực hiện kiểm tra cận lâm sàng, siêu âm và chụp chiếu mắt để xác định chính xác vị trí dị vật, lãnh đạo bệnh viện chỉ định phẫu thuật để lấy dị vật, nếu không bệnh nhân sẽ gây suy giảm thị lực nghiêm trọng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt.
ThS.BS Nguyễn Trọng Đức cho biết thêm, tiền phòng là khoảng không gian được tính từ mặt sau của giác mạc đến mặt trước của mống mắt. Còn góc tiền phòng là một góc nhọn được tạo bởi giác mạc – mống mắt.
Bác sĩ Đức khuyến cáo, hiện nay các trường hợp tai nạn lao động bị dị vật bắn vào mắt thường xuyên xảy ra, do người dân chủ quan không thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động.
Do đó, mọi người cần mang kính râm bảo vệ mắt khi ra đường, mang kính bảo hộ khi lao động. Khi có các vật thể bay vào mắt như cát, bụi, côn trùng, bệnh nhân nên xử lý tại nhà bằng nước muối sinh lý để rửa mắt.
Trong trường hợp vật thể là kim loại bắn vào mắt, người dân không tự ý xử lý vết thương mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt để được điều trị, xử lý kịp thời, tránh những biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.