7 ngày qua, cô N.T.H.H. (52 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lấy bệnh viện là nhà, khi người con trai tên V.T.S. (26 tuổi) bất ngờ phát hiện mắc sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm.
Ngày thứ 2 sốt đã vào giai đoạn sốc
Theo lời người mẹ, anh S. từng bị sốt xuất huyết một lần lúc nhỏ, nên gia đình có tâm lý con sẽ không bị mắc bệnh trở lại. Cho đến ngày 5/11, con trai cô H. xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục, dù uống thuốc nhưng không hiệu quả.
Hơn 24 giờ sau, khi kiểm tra sức khỏe tại nhà, người mẹ tá hỏa khi phát hiện nhịp tim con trai tăng cao, trong khi huyết áp lại tụt thấp, nên đưa ngay con vào bệnh viện cấp cứu trong đêm.
“Bác sĩ nói thông thường phải mắc sốt xuất huyết 4 ngày mới vào sốc, mà cháu mới bệnh ngày 2 đã như vậy. Con tôi phải đưa lên phòng hồi sức ngay khi vào viện, nằm điều trị vài ngày rồi chuyển xuống khoa Truyền nhiễm đến nay”, cô H. chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Phú Khánh, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, bệnh nhân S. nhập viện trong tình trạng sốt ngày 2, chóng mặt, huyết áp tụt, vào sốc, xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 dương tính.
Ngay khi phát hiện tình trạng trên, bệnh nhân được đưa đến khoa Hồi sức (ICU), điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế. 2 ngày sau, bệnh nhân cải thiện tình trạng sốc và được theo dõi thêm 24 giờ, sau đó chuyển về khoa Truyền nhiễm.
Đến nay sau 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, tăng tiểu cầu, giảm nôn ói, giảm đau bụng và ăn uống khá. Nếu không có gì bất thường, bệnh nhân sẽ xuất viện trong ít ngày tới.
Theo bác sĩ Khánh, trong mùa dịch năm nay, bệnh viện đã tiếp nhận một số ca lâm vào sốc, đa phần do bệnh nhân nhập viện muộn. Thông thường, người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cao tuổi khi mắc sốt xuất huyết sẽ gây biến chứng nặng hơn.
Dù vậy vẫn có những trường hợp trẻ (như bệnh nhân tên S.) mắc bệnh nặng.
“Tôi được biết ở phường Cát Lái nhà tôi cũng có một trường hợp bị sốt xuất huyết đang điều trị ở khoa Nội vì khó thở tức ngực. Em gái và cháu chồng tôi ở Hà Nội cũng mới nhập viện vì sốt xuất huyết”, cô H. chia sẻ, đồng thời bày tỏ nỗi lo nơi mình sinh sống sẽ thành ổ dịch.
Cảnh báo việc phát hiện bệnh trễ
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, khoảng 2 tháng nay số ca sốt xuất huyết vào viện tăng mạnh, gây nên tình trạng quá tải. 25 giường điều trị của khoa hầu như tuần nào cũng có bệnh nhân nằm kín.
“Bệnh nhân sốt xuất huyết mỗi ngày ra vào khoa hàng chục người, cứ ổn là chúng tôi cho về ngay để ưu tiên ca bệnh mới và những trường hợp dễ chuyển độ nặng. Từ đầu mùa dịch, đã có một vài trường hợp phải nằm ghế bố kê ở ngoài phòng khi quá tải”, bác sĩ Hùng thông tin.
Cũng theo bác sĩ Hùng, hiện nay nhờ việc phân loại bệnh tốt, người dân thấy sốt cao liên tục chủ động đi bệnh viện sớm, nên đa số được tiếp nhận trong giai đoạn đầu.
Dù vậy, vẫn còn một số ca không ăn uống được, lừ đừ, mệt mỏi kéo dài, khi thăm khám phát hiện đã ở ngày thứ 3-4 của bệnh, cần nhập viện theo dõi.
Thậm chí, có những trường hợp diễn tiến nặng, phải vào khoa ICU điều trị, lọc máy liên tục, nằm viện kéo dài. Có người bị tràn dịch màng phổi, thiếu máu nặng đe dọa tính mạng, đã chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Hùng cảnh báo, từ giờ đến khi hết mùa mưa ở khu vực phía Nam, sốt xuất huyết sẽ còn hoành hành, khiến nhiều người nhập viện. Người dân cần tuân thủ việc ngủ mùng, dùng thuốc tẩm mùng y tế, phát quang bụi rậm, chống ao tù nước đọng.
Khi có dấu hiệu bất thường như sốt cao, uống thuốc không đáp ứng, phải đi khám ngay ở cơ sở gần nhất để phát hiện và xử trí bệnh kịp thời.