Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra một căn nhà ở quận Phú Nhuận và phát hiện: vợ chồng ông Hà Duy Thọ có hành vi hoạt động hành vi khám bệnh, chữa bệnh không phép, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc khi chưa có giấy phép hoạt động.
Thông tin trên khiến dư luận xôn xao, bởi ông Thọ được nhiều người biết đến với danh xưng “Giáo sư, bác sĩ Hà Duy Thọ”. Những ngày qua, các phát ngôn về cách chăm sóc sức khỏe của ông Thọ đã gây ra nhiều tranh cãi trên hàng loạt diễn đàn Facebook, Tiktok và giới y khoa, vì được cho là thiếu căn cứ khoa học.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với “bác sĩ Hà Duy Thọ” để tìm hiểu chi tiết hơn về những lùm xùm liên quan đến người đàn ông này.
“Tôi không có bằng, nhưng tôi có học”
Vừa qua, có thông tin cho biết ông đã bị kiểm tra đột xuất và bị xử phạt vì hàng loạt sai phạm. Thực hư sự việc thế nào?
– Sự việc diễn ra vào ngày 10/11. Bà xã tôi đứng tên chính chỗ đó (căn nhà số 671/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận), mình chỉ phụ vợ mỗi sáng thứ 2 và thứ 3 khi có thời gian rảnh thôi, chứ không làm ở đó.
Giấy phép hoạt động từ sau dịch Covid-19 đã không còn nữa, mình không để ý, còn chứng chỉ hành nghề có đủ.
Nhưng theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, ông không trình ra được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ở thời điểm kiểm tra?
– Tôi không có khám bệnh mà chỉ tư vấn dinh dưỡng. Hiện tôi có mở công ty sản xuất thảo dược ở Bình Dương, lúc trước có làm tại nhà, nhưng đã giải thể.
Trong toa thuốc mà thanh tra chụp lại, thực chất chỉ là sản phẩm dinh dưỡng. Loại 1 là mộc hoa tràm, loại 2 là Curcumin có giấy phép rồi, chỉ có chai xạ đen là sản xuất ở công ty cũ của tôi. Nguyên tắc đã giải thể thì không được kê sản phẩm cũ.
Về bằng cấp, vợ tôi có chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền. Còn tôi, ngày xưa có học ở trường trung học y học dân tộc 3,5 năm, sau đó có lệnh tổng động viên. Khi trở về, tôi thi đậu trường quân y ở Hà Nội hệ chuyên tu, nhưng học 2 năm thì hoàn cảnh quá khó khăn nên xin bảo lưu lại…
Sau này, mình ham tiền, mê tiền quá thì mình đi làm thôi. Đúng là tôi không có bằng thật, nhưng tôi có học. Khi đi làm cho công ty, tôi có nhờ trường xác nhận 2 năm chuyên tu, nên mới được nhận vào làm chuyên gia về dinh dưỡng.
Tôi từng hợp tác với Bệnh viện Từ Dũ cũng như 61 bệnh viện tuyến tỉnh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ai mà không biết tôi.
Theo thông tin vừa kể trên, ông thừa nhận danh xưng “giáo sư, bác sĩ” trên các diễn đàn mạng của ông là không đúng?
– Gọi “giáo sư” là do những công ty họ quảng cáo, cắt ghép thôi. Trang fanpage “bác sĩ Hà Duy Thọ” cũng không phải do tôi thực hiện, mà do công ty hợp tác với tôi làm. Các trang Facebook, Tiktok khác cũng vậy. Các kênh đã gỡ lâu rồi nhưng giờ vẫn còn lưu lại.
Chia sẻ kiến thức ung thư vì… “đọc báo thấy vậy”
Những phát ngôn về “ăn gạo lứt muối mè trị ung thư”, nhận định “nước mắm rót ra 4 tiếng không ăn hết sẽ sinh ra chất ung thư” được lan truyền hàng loạt trên mạng xã hội, là do ông tự nghĩ ra hay có nghiên cứu?
– Không có cái gì tôi tự nói hết. Việc ăn gạo lứt muối mè là phương pháp thực dưỡng Ohsawa bên Nhật Bản.
Còn thông tin nước mắm đổ ra ngoài ăn không hết sinh ra chất gây ung thư, tôi đọc được từ một tạp chí của Anh nghiên cứu về các món ăn châu Á có tác động đến sức khỏe thế nào.
Mình đọc báo thấy vậy nên chia sẻ đến cộng đồng như vậy, đơn giản thôi.
Sau những sự việc vừa xảy ra, ông có lời trần tình hay gửi gắm gì đến cộng đồng, những người đã theo dõi và tin tưởng các phương pháp chăm sóc sức khỏe của ông thời gian qua?
– Mình làm sai rồi đó, vì mình không có giấy phép. Tôi đã nói với Thanh tra Sở Y tế rằng tôi sai thì tôi ký, tuân theo pháp luật. Nhưng thực sự tụi tôi đã làm nhiều năm rồi, nếu thanh tra thấy có điều gì đó cũng nên đến nhắc nhở trước để tự điều chỉnh…
Người ta hẹn ngày thứ 5 (16/11) sẽ ra quyết định chính thức, xem mức xử phạt thế nào. Nếu chỉ nhắc nhở thôi thì mừng, nhưng rất khó.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!