Thông tin trên được ông Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết sáng 16/11 tại buổi họp báo công bố thông tin Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai.
Theo ông Ngọc, hàng năm Bộ Y tế đều nhận báo cáo của Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương, trong đó bao gồm cả thuốc từ dược liệu, dược liệu. Thống kê từ năm 2015 đến nay cho thấy tỷ lệ dược liệu và thuốc dược liệu không đảm bảo chất lượng giảm đi nhiều.
Cụ thể, nếu như vào năm 2010, khoảng 7-10% mẫu dược liệu được lấy trên thị trường không đảm bảo chất lượng thì đến nay chỉ còn hơn 1%.
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), cũng cho biết: “Trước kia nhiều người hay nói dược liệu rác, dược liệu đã chiết xuất hết hoạt chất. Đến nay chưa thể khẳng định thông tin này thật hay không thật.
Việc quản lý xuất nhập khẩu dược liệu có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt trong đó là trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh với sức khỏe của người dân”, ông Thịnh nói.
Theo ông, dược liệu được mua theo con đường chính thống phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn thì mới được nhập về.
Trong nhiều năm gần đây, chất lượng nguồn dược liệu ngày càng được quan tâm. Cơ quan kiểm nghiệm địa phương cũng thường xuyên lấy mẫu kiểm tra. Để vào được các bệnh viện, tất cả thuốc dược liệu, dược liệu đều phải qua đấu thầu, qua ban kiểm soát chất lượng của bệnh viện…
Bộ Y tế cũng ban hành nhiều văn bản về việc phát triển dược liệu, tăng cường chất lượng dược liệu, đặc biệt là vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không an toàn…
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.
Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Thống kê, hàng năm chúng ta sử dụng khoảng 100.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, quy mô phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại.
Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ).
Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ ưu đãi đầu tư phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Ông Thịnh cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị đã đầu tư để nuôi trồng và phát triển dược liệu theo liên kết chuỗi quy mô công nghiệp, hướng tới sản xuất theo hướng chuyên canh, tạo thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường theo vùng miền.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị nuôi trồng dược liệu còn lúng túng vì chưa tiếp cận được với các đơn vị kinh doanh, phân phối và sử dụng trong và ngoài nước.
Vì thế, hội chợ lần này hướng tới mục tiêu tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nuôi trồng, phát triển tiêu thụ sản phẩm dược liệu và các sản phẩm về y dược cổ truyền. Đồng thời giới thiệu các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng.
Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 300 gian hàng tham gia trưng bày dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu. Hội chợ dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.