Tại Hội nghị thường niên lần thứ 31, Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á, diễn ra ở TPHCM các ngày 15-18/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mô hình bệnh tật của Việt Nam đã có những thay đổi nhanh trong thời gian gần đây, với sự gia tăng của các bệnh lý không lây nhiễm, trong đó, có bệnh lý tim mạch.
Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với khoảng 19,5 triệu người tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch.
Theo ông Tuyên, phẫu thuật tim mạch lồng ngực là một phần không thể thiếu trong việc điều trị bệnh lý tim mạch. Chính vì vậy, ngành y tế Việt Nam luôn có sự quan tâm và đầu tư cho sự phát triển của chuyên ngành này.
Đến nay, phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, theo kịp các xu hướng phát triển của thế giới.
Sau 9 năm, Việt Nam lại vinh dự được Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á chọn làm chủ nhà tổ chức Hội nghị mang tầm vóc quốc tế. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, đây là cơ hội cho các bác sĩ Việt học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chuyên sâu nêu trên.
Phó giáo sư Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), Trưởng ban tổ chức Hội nghị chia sẻ, các nghiên cứu nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý tim mạch là mối quan tâm của những nhà khoa học và y bác sĩ toàn cầu.
Theo thời gian, xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn, sự kết hợp giữa phẫu thuật và can thiệp nội mạch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… đã đem lại cơ hội điều trị khỏi các bệnh lý phức tạp, mà cách đây không lâu vẫn được xem là bệnh nan y.
“Xu hướng hội chẩn đa chuyên khoa phát huy thế mạnh của các thầy thuốc, và chọn lựa phương pháp xử trí tối ưu đã đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh và giảm thiểu chi phí cho việc điều trị”, Phó Giáo sư Đỗ Kim Quế nói.
Ngoài các bài báo cáo chuyên sâu, trong khuôn khổ hội nghị, đã có 3 ca mổ thị phạm được thực hiện tại 2 bệnh viện ở TPHCM vào các ngày 15/11 và 16/11.
Cụ thể, có 2 bệnh nhân độ tuổi trung niên lần lượt được phẫu thuật sửa van 2 lá qua đường mổ nhỏ và nội soi toàn bộ qua hệ thống máy 3D/4K (được xem là hệ thống nội soi hiện đại nhất hiện nay).
Trường hợp còn lại là một bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền, được can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý tắc động mạch chủ chậu, bằng kỹ thuật tái tạo động mạch chủ chậu với các stent phụ.
Cả 3 trường hợp trên đều được thực hiện thành công, với sức khỏe hồi phục tốt sau mổ.
Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á được thành lập năm 1972 tại Philippines. Đến nay, Hội đã có hơn 1.400 hội viên từ 44 quốc gia thành viên. Việt Nam chính thức gia nhập Hội từ năm 2005 và là một trong những thành viên tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội.
Hội nghị thường niên lần thứ 31 tại Việt Nam cũng là lần đầu tiên Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á phối hợp với Hội Phẫu thuật tim lồng ngực ít xâm lấn thế giới tổ chức hội thảo, với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu thế giới như Tiron David, Joseph Coseli, Shuniji Sano…