Hà Nội: Người trẻ tóc rụng từng nắm, ngứa phát rồ “hậu sốt xuất huyết”


Tóc rụng từng nắm, hụt hơi khi leo cầu thang

Sau một tuần trải qua đủ các triệu chứng cấp tính của sốt xuất huyết: Từ sốt cao đến chảy máu, giảm tiểu cầu, Thương (tên nhân vật đã được thay đổi), 26 tuổi nhân viên một công ty tại Đống Đa vẫn bị hành bởi loạt triệu chứng “hậu sốt xuất huyết”.

Hà Nội: Người trẻ tóc rụng từng nắm, ngứa phát rồ hậu sốt xuất huyết - 1

Thương gặp tình trạng rụng tóc sau khi mắc sốt xuất huyết (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Ngày thứ 7 của bệnh, tiểu cầu của tôi về lại ngưỡng an toàn, đủ điều kiện xuất viện. Thế nhưng đã một tuần trôi qua, sức khỏe của tôi vẫn chưa thể trở lại bình thường”, Thương kể.

Sau khi xuất viện, cô vẫn cảm thấy người mệt mỏi, uể oải. Ban đầu cô cho rằng đây là tình trạng bình thường của người mới ốm dậy. Thế nhưng, đến nay Thương mô tả người chỉ còn 50% năng lượng so với trước đây.

Vận động mạnh hay leo bậc cầu thang cũng đủ khiến cô gái trẻ hụt hơi.

Thương chia sẻ: “Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do cơ thể bị thiếu chất. Sau khi khỏi bệnh một tuần, tôi vẫn gặp tình trạng chán ăn. Bên cạnh đó, tình trạng đầy bụng, tiêu chảy xuất hiện từ những ngày đầu bị bệnh vẫn dai dẳng đến bây giờ, chỉ là nhẹ đi đôi chút”.

Tình trạng nghiêm trọng nhất, theo thương mô tả, chính là rụng tóc. Đáng chú ý, xuyên suốt thời gian mắc sốt xuất huyết, Thương không hề xuất hiện tình trạng này.

“Gần đây, mỗi ngày tóc tôi rụng từng nắm. Tình trạng này khiến tôi rất lo lắng”, Thương chia sẻ.

Ngứa đến mất ăn mất ngủ

Tương tự như Thương, Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), 24 tuổi, sống ở Hà Nội, bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các tình trạng kéo dài sau khi khỏi sốt xuất huyết.

“Sau 10 ngày bị sốt xuất huyết, sức khỏe tôi bị bào mòn rất nhiều. Đến nay đã gần một tuần từ khi khỏi bệnh, tôi vẫn thường xuyên hụt hơi, phải hạn chế vận động mạnh”, Quân nói.

Hà Nội: Người trẻ tóc rụng từng nắm, ngứa phát rồ hậu sốt xuất huyết - 2

Quân khi đang truyền dịch điều trị sốt xuất huyết ở bệnh viện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tình trạng này, theo anh, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng bắt nhịp trở lại với công việc, vốn có áp lực cao.

Quân chia sẻ: “Công việc của tôi tính theo sản phẩm. Những ngày qua, dù đã đi làm trở lại nhưng năng suất chỉ còn khoảng 70%, đồng nghĩa với việc thu nhập cũng suy giảm”.

Với Quân, đây là vấn đề không hề nhỏ khi trong 10 ngày mắc sốt xuất huyết vừa qua, chỉ riêng chi phí truyền dịch, xét nghiệm, thăm khám, thuốc men đã tiêu tốn gần 10 triệu đồng.

Một tình trạng khác mà nam thanh niên này gặp phải là ngứa. Theo chia sẻ, vào ngày thứ 8 của bệnh, ở chân và tay của Quân xuất hiện chi chít các nốt phát ban. Cậu được bác sĩ thông tin, đây là tình trạng thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của bệnh.

Tuy nhiên, cũng từ lúc này Quân bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa râm ran ở những vị trí xuất hiện phát ban. Tình trạng ngứa kéo dài đến 4 ngày.

“Tôi ngứa đến phát rồ, mất ăn mất ngủ. Cảm giác ngứa châm chích ở cả một vùng rộng, nặng nhất là ở chân. Tôi có cảm tưởng như đang bị hàng trăm con muỗi đốt. Rất khó chịu, gãi cũng không đỡ”, Quân thở dài.

Vì sao rụng tóc, ngứa râm ran vì sốt xuất huyết?

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng ngứa trong sốt xuất huyết Dengue rất phổ biến.

“Rất nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue từ ngày thứ 5-6 trở đi xuất hiện ngứa 2 lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí ngứa râm ran khắp người, 2 bàn tay, bàn chân đỏ ửng,…

Ngứa nhiều khiến bệnh nhân thậm chí mất ăn, mất ngủ, càng gãi càng ngứa tới mức ko chịu nổi…”, PGS Cường cho biết.

Hà Nội: Người trẻ tóc rụng từng nắm, ngứa phát rồ hậu sốt xuất huyết - 3

Rất nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue từ ngày thứ 5-6 trở đi xuất hiện ngứa 2 lòng bàn tay, bàn chân (Ảnh: Đ.C.).

Khi xuất hiện tức là bạn đã ở giai đoạn hồi phục và sắp khỏi bệnh. Cơ chế là do quá trình tái hấp thu nước ngoại bào vào lòng mạch, tổ chức da đã được phục hồi sau khi tổn thương do virus và sự phản ứng quá mức của phức hợp kháng nguyên – kháng thể gây ngứa.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, các triệu chứng của sốt xuất huyết cấp tính thường sẽ hết sau 1-2 tuần, nhưng khả năng xuất hiện các triệu chứng dai dẳng (hậu mắc sốt xuất huyết) đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Một đánh giá tổng hợp cho thấy có tỷ lệ đáng kể người bệnh đã trải qua một số triệu chứng hậu cấp tính; tỷ lệ này giảm dần theo thời gian sau khi bị nhiễm bệnh và 24% cho biết có tình trạng mệt mỏi đáng kể.

Rụng lông và tóc là vấn đề ít nhiều gặp ở người mắc bệnh sốt xuất huyết. Một nghiên cứu được công bố năm 2018 cho biết, mặc dù tình trạng rụng lông/tóc này không phải là vĩnh viễn nhưng do khả năng miễn dịch suy yếu nên các nang tóc, nang lông của bạn sẽ bị ảnh hưởng và mất thời gian phục hồi.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *