Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy “không thấy đường, chỉ nghe tiếng”


Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 1

6h, một góc nhỏ trên Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) vang lên tiếng cười nói của một nhóm những người trẻ. Họ đi thành từng cặp, một người đi trước, người còn lại dò dẫm theo sau.

“Anh Tùng đến rồi đấy ạ? Mọi người đông đủ cả rồi chứ?”, Vũ Tiến Mạnh (23 tuổi, quê ở Phú Thọ) chào hỏi những người trong nhóm.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 2

Đây cũng là cách chàng trai khiếm thị này điểm danh quân số của câu lạc bộ (CLB) chạy quy tụ những người đồng cảnh ngộ do mình sáng lập.

Sinh ra với căn bệnh rung giật nhãn cầu, Mạnh ban đầu chỉ nhìn được “lờ mờ” những vật có kích thước lớn và màu sắc. Thị lực của cậu xuống dần theo năm tháng và đến năm 2020, Mạnh chỉ có thể phân biệt được sáng tối.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 3

Mạnh là vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp. Tại ASEAN Para Games 12 diễn ra ở Campuchia, Mạnh đem về cho đoàn Việt Nam 3 huy chương bạc.

Nhận thấy nhiều người khiếm thị có mong muốn chạy bộ nhưng không có điều kiện, Vũ Tiến Mạnh đã phối hợp với một tổ chức ở Phần Lan thành lập CLB chạy cho người khiếm thị mang tên “Blind Runner”, với mong muốn không chỉ tạo ra một sân chơi thể thao mà còn là nơi giúp những người khiếm thị có cơ hội được giao lưu, vun đắp niềm vui sống.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy “không thấy đường, chỉ nghe tiếng” (Video: Minh Nhật)

Theo Mạnh, chạy bộ là một trong những môn thể thao dễ tiếp cận nhất với người khiếm thị.

Bằng việc tích cực đăng bài tuyển thành viên trên các hội nhóm khiếm thị, cũng như thông qua kết nối trong cộng đồng người khiếm thị, đến nay CLB này đã có 30 thành viên tham gia.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 4

Khi các thanh viên đã đến đông đủ, Vũ Tiến Mạnh bắt đầu đọc nhịp cho cả nhóm cùng thực hiện các động tác khởi động. Với thành viên mới, cậu dùng lời nói và “cầm tay chỉ việc” thay cho đôi mắt, để hướng dẫn kỹ từng chi tiết của bài khởi động, từ đánh tay thế nào, đến ép chân ra làm sao.

“Cả đội được chia thành 2 nhóm: Mới tham gia và đã chạy lâu. Mỗi nhóm lại tập theo một giáo án riêng. Các thành viên tham gia cũng cần đảm bảo sức khỏe, không có bệnh nền. Chúng tôi cũng rất chú trọng việc hướng dẫn mọi người những kỹ năng an toàn khi chạy cho người khiếm thị và người dẫn đường”, Mạnh chia sẻ.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 5

Sau vụ tai nạn giao thông cách đây 7 năm, anh Nguyễn Cảnh Tùng (30 tuổi) bị mất đi hoàn toàn thị lực. Nhiều năm liền, cuộc đời anh chỉ chìm trong bóng tối. “Tôi chán chường, chỉ ăn rồi đi ngủ”, anh Tùng mô tả bản thân mình của quá khứ.

Mọi chuyện thay đổi khi anh được người chủ nơi mình làm việc vận động ra sân tập thể dục. “Ra sân thấy mọi người rủ tham gia câu lạc bộ, thế là cuộc đời tôi thay đổi từ đó. Hôm đầu tôi chỉ chạy được 50m sau đó mệt quá đi bộ luôn.

Hôm sau, cự ly tăng lên được 100m. Thành tích cứ nhích dần và đến hiện tại tôi đã chạy được 10km”.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 6

Sau 30 phút khởi động, các thành viên của CLB bắt đầu những bước chạy đầu tiên quanh sân Hàng Đẫy.

Không còn đôi mắt, việc chạy bộ của những người khiếm thị có nhiều điểm đặc biệt. Mỗi người sẽ có một bạn đồng hành mắt sáng để dẫn đường. Các cặp chạy sẽ được kết nối bằng một sợi dây ở tay.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 7

Thông qua sợi dây này, chân chạy khiếm thị sẽ kiểm soát được tốc độ theo người dẫn đường cũng như điều hướng cho phù hợp với đường chạy.

Tham gia CLB với vai trò là người dẫn đường được hơn một tháng, anh Nguyễn Lương Toàn, 33 tuổi, cho biết, mình có tình yêu đặc biệt với công việc này.

“Trước đó, công ty tôi có tổ chức một giải chạy ở Cầu Giấy, có mời các bạn khiếm thị đến chạy cùng. Tôi tham gia và thấy rất vui, nên xin mọi người phương thức liên lạc rồi đến chạy cùng. Tôi bén duyên với CLB chạy khiếm thị từ đó”, anh Toàn kể.

Theo anh Toàn, người dẫn đường sẽ chạy bên phải, các bạn khiếm thị chạy bên trái. Cần chú ý khi đánh tay để thật đều nhịp.

“Tôi không hề cảm thấy gánh nặng gì khi đồng hành cùng người khiếm thị. Thay vào đó tôi tích cực và thoải mái hơn vì nói chuyện với các bạn như được truyền thêm năng lượng lạc quan, yêu đời”, anh Toàn nói.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 8
Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 9

Chạy trong bóng tối, đôi tai của người khiếm thị sẽ hoạt động “200% công suất”. “Chúng tôi sẽ lắng nghe guồng chân của các chân chạy khác để điều chỉnh guồng chân của mình. Bên cạnh đó, đôi tai cũng thay đôi mắt nắm bắt các thông tin quan trọng khác qua âm báo trên đồng hồ chạy hoặc trao đổi của người dẫn đường”, Mạnh chia sẻ.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 10

Cảm nhận lực từ sợi dây chuyển hướng, các chân chạy cũng nhịp nhàng “bẻ lái” khi vào khúc cua theo người dẫn đường.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 11

Ông trời lấy đi của người khiếm thị đôi mắt nhưng đổi lại là khả năng nghe và cảm giác không gian rất tốt. Ở đường chạy quen thuộc, người chạy lâu có thể chạy độc lập.

Mạnh mô tả trong đầu mình tự vẽ lên hình ảnh của cung đường trên sân Hàng Đẫy. Nét vẽ càng đậm sau mỗi vòng chạy.

Cậu thanh niên tự điểm thêm màu sắc cho sân vận động trong tưởng tượng của mình thông qua mô tả của người dẫn đường: “Đường chạy màu đỏ, những chiếc ghế màu xanh – trắng”. Hệt như cách Mạnh tự vẽ cuộc sống đầy màu sắc của mình, bằng sự lạc quan và tinh thần thể thao cuồng nhiệt.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 12

Sau thời gian tập luyện, gần như tất cả thành viên đều đã có thể chạy 10km trở lên. Thứ được tăng lên không chỉ là quãng đường chạy được, mà với nhiều người còn là sự tự tin, lạc quan.

“Tôi cảm thấy mình tiến gần hơn đến cuộc sống như trước khi mất đi thị lực”, một thành viên trong CLB chia sẻ.

Mạnh cho biết, sắp tới cả nhóm sẽ cùng tham gia một giải chạy marathon. Mỗi người sẽ chọn cự ly theo năng lực của mình. Cả tháng qua, mọi người đều háo hức đếm từng ngày đến giải chạy này, nhất là những thành viên chưa từng chạy giải.

“Chúng tôi chuẩn bị rất kỹ. Đối với nhiều anh em trong câu lạc bộ, tấm huy chương sắp tới không chỉ là thành tích trên đường chạy, mà còn là một nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn cho cuộc sống vốn chịu nhiều thiệt thòi”, Mạnh tâm sự.

Sợi dây thay đôi mắt của những chân chạy không thấy đường, chỉ nghe tiếng - 13

Giữa tiết trời se lạnh đầu đông, những con người phải sống trong bóng tối cứ thế cùng nhau chạy về phía rạng đông, nơi mặt trời ló rạng. Gương mặt như tỏa nắng.

Ảnh: Thành Đông


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *