Hệ thống đèn trên ô tô nói chung và đèn pha nói riêng là bộ phận cực kỳ quan trọng khi lưu thông trên đường, đặc biệt là vào lúc trời tối và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tuy vậy, không phải lúc nào hệ thống đèn chiếu sáng cũng vận hành trơn tru, thậm chí dở chứng giữa đường khiến người điều khiển lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Mất 1 triệu tiền cứu hộ vì chi tiết 30 nghìn đồng bị hỏng
Chia sẻ câu chuyện mới đây của mình với VietNamNet, anh Huy Hoàng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, tối chủ nhật vừa qua, anh đưa vợ con từ quê Bắc Giang ra Hà Nội sau những ngày nghỉ cuối tuần. Thế nhưng, một sự cố không ngờ tới đã ập đến khiến hành trình quay trở lại thành phố của cả gia đình trở nên vô cùng vất vả.
“Đang đi trên đoạn đường liên huyện, trời rất tối, tôi bật đèn sang chế độ chiếu xa. Tuy nhiên, đèn bất ngờ không sáng lên không được, ngay sau đó đèn chiếu gần cũng tắt ngóm. Mọi thứ phía trước trở nên đen như mực. Gặp phải tình huống quá bất ngờ, vợ con tôi hét ầm lên trong xe khiến tôi luống cuống”, anh Hoàng kể lại.
Anh cho biết: “Lúc đó tôi đang đi với tốc độ khoảng hơn 40km/h. Tôi phải dừng lại ngay bên vệ đường để kiểm tra”.
Sau đó, vì thấy đường vắng, anh Hoàng đánh liều cố lái thêm một đoạn đường nữa chỉ với chế độ đèn khẩn cấp nhưng sau đó, biết không ổn và quá mạo hiểm trong không gian đường tối, anh buộc phải dừng lại.
Lúc này không thể quay lại quê hay đi tiếp được vì đường quá tối, anh Hoàng gọi điện cầu cứu một gara sửa xe quen. Cả nhà đành ngồi trong xe đợi hơn 1 giờ đồng hồ để gara điều xe cẩu cứu hộ đến đưa cả xe và người về Hà Nội.
“Sáng hôm sau, tôi được thợ của gara thông báo xe bị cháy mất 1 cầu chì trong bảng mạch, khiến toàn bộ hệ thống đèn phía trước bị vô hiệu hoá. Chi phí thay cầu chì chỉ hết 30 nghìn đồng, nhưng phí cẩu kéo xe tối hôm trước hết hơn 1 triệu. Đúng là nhớ đời!”, anh Hoàng chia sẻ.
Còn anh Huy Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây cũng gặp phải cảnh tương tự khi đang lái xe về nhà chiều tối thì cả hai bên đèn pha bỗng tắt ngóm. Tuy vậy, anh Nam vẫn may mắn hơn trường hợp của anh Hoàng khi sự cố xảy ra ở gần nhà, nơi có đèn đường đủ sáng để di chuyển.
“Đi đường tôi phải bật đèn cảnh báo khẩn cấp và đi rất chậm để đảm bảo an toàn. Đèn đường khá sáng nên không sợ không nhìn thấy đường, nhưng lại sợ nhất bị cảnh sát giao thông (CSGT) ‘hỏi thăm’ vì xe không có đèn. Cũng may tôi đã đi cố về được đến nhà để hôm sau đưa xe đi sửa”, anh Nam chia sẻ.
Làm gì để đảm bảo an toàn và không bị phạt?
Việc lái xe trong tình trạng hỏng đèn chiếu sáng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi lúc này tầm quan sát của lái xe là vô cùng hạn chế.
Giáo viên dạy lái xe Nguyễn Thanh Tùng – người đã có gần 20 năm lái xe an toàn cho biết, đèn ô tô hỏng bất chợt có thể có nhiều lý do như cháy bóng, lỏng giắc cắm, tuột dây dẫn bóng đèn… Các trường hợp này thường chỉ hỏng đơn lẻ. Tình huống hay gặp hơn là cháy, đứt rơ le, cầu chì, hỏng máy phát… lúc này có thể tất cả các bóng đèn như đèn pha, đèn cốt, đèn tép, thậm chí đèn taplo và đèn nội thất trong xe sẽ bị vô hiệu hoá cùng một lúc.
Theo anh Tùng, thông thường hệ thống đèn khá bền, nhưng với những chiếc xe đã sử dụng trên 10 năm hoặc hay độ chế các thiết bị đèn, điện, âm thanh,… sẽ có nguy cơ “dính” nhiều hơn.
“Đi đường trời tối mà không có hoặc mất một bên đèn pha là điều không ai mong muốn. Tuy vậy, nếu bắt buộc phải di chuyển mà không có cách nào khác, cần bình tĩnh xử lý để đảm bảo an toàn cho mình và những phương tiện xung quanh”, anh Tùng chia sẻ.
Vị chuyên gia này đưa ra 7 lời khuyên khi không may đèn chiếu sáng ô tô bị hỏng bất chợt trên đường:
– Dù với bất cứ nguyên nhân nào, nếu đèn chiếu sáng không hoạt động khi đang đi đường tối, người lái xe cần dừng xe lại và kiểm tra kỹ lại một lần nữa. Nếu có thể, nên đến gara gần nhất để kiểm tra, khắc phục ngay.
– Trên những cung đường không có đèn chiếu sáng, ít phương tiện qua lại và khoảng cách còn xa, nên nhờ sự hỗ trợ của xe cứu hộ. Có thể cân nhắc phương án tìm một nơi lưu trú để nghỉ lại, chờ trời sáng mới di chuyển tiếp, không nên đi cố rất nguy hiểm.
– Trường hợp buộc phải tự di chuyển, lái xe nên đi chậm, đồng thời bật đèn cảnh báo khẩn cấp (đèn hazard) để các phương tiện khác có thể quan sát thấy xe mình trên đường. Bật đèn hazard còn giúp tài xế chứng minh xe mình đang gặp trục trặc khi gặp CSGT.
– Không di chuyển ở làn bên trái có tốc độ cao và hạn chế vượt xe khác.
– Có thể “chạy bám đuôi”, tức là đi ngay sau một chiếc xe có cùng hành trình để đảm bảo tầm quan sát. Đừng ngại ngần nhờ một xe khác trên đường hỗ trợ khi không may gặp sự cố trên đường.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô, xe máy và các phương tiện cơ giới khác khi lưu thông trên đường đều phải đảm bảo các loại đèn hoạt động tốt và được bật “đúng nơi, đúng lúc”.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc lái xe không đảm bảo yêu cầu tối thiểu về tình trạng phương tiện khi ra đường hoặc “cố tình” không bật đèn khi đi vào ban đêm, khi thời tiết xấu hoặc trong hầm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, nếu việc xe ô tô gặp sự cố bất ngờ mà người điều khiển không thể biết trước hoặc gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến đèn không sáng thì không bị phạt.
Khi tham gia giao thông, xe ô tô phải có đủ đèn chiếu sáng và bắt buộc phải bật đèn xe theo đúng thời gian quy định trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h ngày hôm sau; khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn và trong hầm đường bộ.
Nếu thiếu hoặc không bật đèn theo quy định như trên, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng theo khoản 3, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!