Sáng 1/12, tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Chống độc và Hội nghị Quốc tế chuyên ngành chống độc, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã báo cáo về thực trạng nguy hiểm từ thuốc lá điện tử.
Nhiều ca ngộ độc cấp tính vì thuốc lá điện tử
Theo TS Nguyên, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng lan rộng nhanh chóng, đặc biệt ở giới trẻ. Cùng với đó, xuất hiện nhiều ca bệnh ngộ độc cấp tính sau khi dùng thuốc lá điện tử.
“Từ tháng 1/2022 – tháng 10/2023, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận hơn 120 ca nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử”, TS Nguyên thông tin.
Trong số này, kết quả xét nghiệm cho thấy 16 ca, trong mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến dương tính với ma túy, 101 ca âm tính, không có mẫu và 3 ca không tiến hành xét nghiệm.
Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử thường khởi phát các triệu chứng như mơ hồ, rối loạn ý thức, kích động sau khi hút thuốc lá điện tử.
“Trong 120 bệnh nhân nhập viện sau hút thuốc lá điện tử, có tới 51,7% bệnh nhân có biểu hiện rối loạn về cảm xúc, tâm thần, trong đó gồm kích động la hét, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi.
Ngoài ra, các bệnh nhân còn có biểu hiện về tim mạch như loạn nhịp tim.
TS Nguyên thông tin về trường hợp cô gái 20 tuổi được đưa đến viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử.
Cô gái vốn có tiền sử khỏe mạnh. Ngay sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, cô xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không đáp ứng. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền trong tình trạng hôn mê G8 điểm, da tái xanh, huyết áp tụt 60/40 mmHg, đồng tử co nhỏ 1mm.
Sau khi xử lý đặt nội khí quản, truyền dịch, vận mạch, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng toàn thân da tái xanh, lạnh, nhiệt độ 36 độ C.
Bệnh nhân cũng có tình trạng vô niệu, đồng tử hai bên co, thở qua bóp bóng nội khí quản…
“Hinh ảnh chụp sọ não cho thấy giảm tỉ trọng nhân bèo, bán cầu tiểu não hai bên phù não lan tỏa. Hình ảnh chụp X-quang ngực thấy tổn thương lan tỏa 2 phổi”, TS Nguyên cho biết.
Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, chống phù não, tình trạng bệnh nhân có cải thiện nhưng vẫn cần chăm sóc y tế, được chuyển viện.
Nhiều hệ lụy
Theo TS Nguyên, hút thuốc lá điện tử ngày càng trở thành trào lưu của giới trẻ, khi các em muốn thể hiện mình.
Điều này rất nguy hiểm, bởi thuốc lá điện tử ngoài chứa chất gây nghiện nicotine như thuốc lá truyền thống, còn chứa rất nhiều hương liệu, các phụ gia, thậm chí bị trộn ma túy tổng hợp.
Một vấn đề khác là trong dung dịch thuốc lá điện tử người bán có thể cố tình cho các chất gây nghiện vào mà khó có thể phát hiện được. Đứa trẻ khi hút chế phẩm thuốc lá có các chất đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý và sức khỏe. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ hấp thụ quá liều các chất gây nghiện này có thể dẫn đến các phản ứng, thậm chí là sốc và ngộ độc.
“Thành phần hóa chất trong thuốc lá điện tử phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá truyền thống, gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe. Đáng nói, rất nhiều người lầm tưởng thuốc lá điện tử là an toàn”, TS Nguyên cảnh báo.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hút thuốc lá điện tử gây nghiện và có hại. Thậm chí nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao gấp 15 lần thuốc lá điếu.
Với tính chất nguy hại này, nhiều quốc gia cấm sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo Bộ Y tế, hiện có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Chúng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên.