Buổi trao đổi với chủ đề “Từ Việt Nam đến số 10 Phố Downing”, thu hút các chuyên gia, bác sĩ, nhà nghiên cứu trẻ đến từ Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Viện Pasteur TPHCM, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm TPHCM, Viện nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Tiêm chủng VNVC…
Mở đầu, Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam xúc động bày tỏ: “Cảm ơn tất cả các bạn đã chào đón tôi đến Việt Nam, cảm ơn Viện Nghiên cứu Tâm Anh đã có lời mời, cho tôi đặc ân và cơ hội được lần đầu tiên về thăm quê cha đất tổ. Tôi đầy cảm xúc, như được trở về nhà sau gần 60 năm. Tại thời điểm này, tôi muốn dành tâm huyết cho việc chia sẻ, trao đổi”.
Trong bài nói chuyện, Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam cho biết số 10 Phố Downing là dinh thự của Thủ tướng Anh. Sở dĩ ông đặt tên như vậy vì đây không chỉ là bài khoa học mà còn là câu chuyện của cuộc đời ông – một người con gốc Việt sát cánh với Thủ tướng Anh trong cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất 100 năm qua.
Giáo sư Jonathan Van Tam là người gốc Việt đầu tiên được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ danh giá vào đầu năm 2022 vì những đóng góp to lớn, thiết thực, mang tính cách mạng của ông trong đại dịch Covid-19 tại Anh. Ông còn là nguyên Phó giám đốc Y tế Trung ương – phụ trách chuyên môn, cố vấn khoa học cho Thủ tướng Anh.
Trả lời một đại biểu về bài học nào cho Việt Nam trong việc ứng phó những đại dịch bất ngờ trong tương tai, Giáo sư Jonathan cho biết, 100 năm qua, thế giới đã trải qua 5 đại dịch lớn, đa số đều liên quan đến bệnh cúm. Đại dịch tiếp theo chắc hẳn cũng liên quan đến bệnh truyền nhiễm và chúng ta không biết chắc khi nào xảy ra. Việc chủ động nghiên cứu, dự phòng đối phó đại dịch trong mọi tình huống là rất quan trọng.
Các dữ liệu khoa học rất cần thiết để đưa ra hành động, quyết sách kịp thời khi có đại dịch bất ngờ, ví dụ dữ liệu về dịch tễ, ca bệnh, dịch chuyển dân số… Các nhà nghiên cứu khoa học, đội ngũ y bác sĩ cần có kết nối nhanh chóng, đưa ra các dữ liệu có thể có để có quyết định đúng. Cần xây dựng hệ thống cảnh báo đại dịch sớm. Khi số lượng nhiễm tăng lên thì khả năng quan sát là rất quan trọng.
Trước câu hỏi về áp lực cũng như khả năng sản xuất vaccine mới trong thời hạn cấp bách tại các nước như Việt Nam, Giáo sư Jonathan cho rằng nhiệm vụ này cần căn cứ vào thực tế của những tiến bộ công nghệ đang có như giải trình tự gen, RNA… và thực tế đại dịch đang diễn ra. Cần có năng lực tập trung tự tin ứng phó đại dịch, kết hợp nhanh chóng đầu tư nghiên cứu sản xuất vaccine. Công tác truyền thông cũng rất quan trọng để ổn định và hướng dẫn cộng đồng.
Truyền cảm hứng đến thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ, Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan nhắc lại một kỷ niệm đáng nhớ với người cha Việt Nam mà ông cho rằng nó rất đúng với truyền thống hiếu học của người Việt. Khi ông còn nhỏ, một hôm ông nói với cha rằng “con muốn mua kẹo, đồ chơi”, cha ông không đồng ý. Rồi ông hỏi “thế con mua sách được không”, cha ông đồng ý và hỏi tiếp “con muốn mua bao nhiêu sách và sách nào”.
“Tôi khuyến khích các bạn trẻ cần hành động ngay, nắm bắt ngay, tận dụng mọi cơ hội để được học và nghiên cứu, ứng dụng thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng”, Giáo sư Jonathan nói.
Ông có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các nhà khoa học mới bắt đầu tham gia nghiên cứu, giúp họ đi đúng hướng, đóng góp, công bố các nghiên cứu cho cộng đồng này. Buổi tọa đàm mở ra cơ hội giúp nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam được truyền cảm hứng, kết nối, tạo cơ hội phát triển tầm quốc tế thông qua các công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế của ông.
Nói về cơ hội hợp tác với các cá nhân hay cơ sở y tế Việt Nam trong tương lai, cụ thể là tại Viện nghiên cứu Tâm Anh và Hệ thống Tiêm chủng VNVC vốn là lĩnh vực chuyên môn sâu của mình, Giáo sư Jonathan cho biết trong thế giới y khoa, ông không chỉ làm việc vì nghề nghiệp mà còn vì sâu thẳm trong lòng luôn mong muốn làm điều gì đó có ích.
“Còn sức là tôi còn đóng góp. Nếu có cơ hội phù hợp, tôi luôn sẵn sàng cho những công việc hữu ích với Viện nghiên cứu Tâm Anh hay các đơn vị khác tại quê hương”, ông cho biết.
Nhiều tràng vỗ tay đã vang lên sau những chia sẻ có sức lan tỏa của vị Giáo sư gốc Việt. Với tình cảm sâu đậm dành cho quê hương, Giáo sư Jonathan có mối quan tâm đặc biệt đến hệ thống y tế dự phòng và y tế khám chữa bệnh của Việt Nam. Ở những phút cuối của buổi trao đổi, ông đã đưa ra các tư vấn quan trọng cho công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cũng như khám chữa bệnh với các chuyên gia, bác sĩ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chiều cùng ngày, Giáo sư Jonathan đến thăm Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bày tỏ ấn tượng, bất ngờ khi chứng kiến tầm vóc phát triển nhanh chóng của nền y tế Việt Nam.
Giáo sư trực tiếp tham quan Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), nơi có những bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, nhiễm trùng nặng đang được bác sĩ đầu ngành túc trực ngày đêm, cùng với những kỹ thuật hiện đại hàng đầu đang triển khai như: hỗ trợ hô hấp bằng thở máy và hồi sức tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO), đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt giảm tổn thương não…
Giáo sư cũng tham quan Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh Tâm Anh với những “siêu cỗ máy” hiện đại hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều hệ thống máy móc duy nhất hoặc hiếm có ở Việt Nam và châu Á, phục vụ tích cực trong khám, sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện đa dạng bệnh lý cho người dân; tham quan hệ thống “Lab trong lab” – hệ thống labo nuôi cấy phôi chuẩn ISO 5 duy nhất Việt Nam, hiện đại hàng đầu Đông Nam Á của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản…
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), phát biểu tổng kết, cho biết Giáo sư, Hiệp Jonathan là chuyên gia hàng đầu mang tầm vóc toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực bệnh cúm, dịch tễ học, bệnh truyền nhiễm, vaccine, thuốc chống virus và ứng phó đại dịch. Những trao đổi, chia sẻ của ông sẽ là thông tin và kinh nghiệm quý báu cho việc ứng phó những đại dịch tương tai.
Chuyến thăm của Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam diễn ra trong năm Việt Nam và Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần tăng cường và củng cố lòng tin chiến lược giữa hai nước, minh chứng cho chính sách phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.
Trước đó, ngay khi đến Việt Nam vào ngày 5/12, Giáo sư Jonathan đã đến thăm Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC để thấy được sự nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hoạt động tiêm ngừa vaccine cho trẻ em và người lớn trong những năm gần đây.
Giáo sư Jonathan bày tỏ ấn tượng khi được đại diện VNVC báo cáo về việc nâng cao số lượng, tỷ lệ trẻ em và người lớn ở Việt Nam được tiếp cận với những vaccine chất lượng cao tương đương các nước phát triển như Anh quốc, với điều kiện bảo quản quốc tế nhưng chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.