Một kết quả tầm soát 12.455 người tại TPHCM đã phát hiện 21 trường hợp mắc ung thư phổi ở giai đoạn 1-3, 11 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Trong đó có 8 ca bị viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính, 3 ca khí phế thũng).
Đây là kết quả thu được trong giai đoạn một của chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi”, do Trung ương Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức từ ngày 19/11.
“Mục tiêu của chương trình là hơn 50.000 người dân được khám sàng lọc các bệnh lý về phổi; hơn 2 triệu người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi.
Hơn 1.000 y bác sĩ tại 4 tỉnh, thành tham gia các hoạt động khám bệnh, tư vấn miễn phí và hỗ trợ cho người dân các bệnh lý về phổi; ít nhất 1.000 y bác sĩ tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế.
Ít nhất 10 bệnh viện và 1.000 y bác sĩ tại 4 tỉnh, thành được tiếp cận với nền tảng chẩn đoán, sàng lọc bệnh qua trí tuệ nhân tạo (AI)”, ThS.DS Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ.
Theo ThS.DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, việc phát hiện sớm ung thư phổi thông qua sàng lọc là vô cùng quan trọng để tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí.
Trên thực tế, ung thư phổi và COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Đối với ung thư phổi, tình hình ở Việt Nam khá nghiêm trọng với số ca mắc mới và tử vong cao.
Ung thư phổi đứng thứ hai cả về tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong, chỉ sau ung thư gan. Một thực tế đáng lo ngại là khoảng 75% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị và thường dẫn đến tỷ lệ sống thêm không cao.
Ung thư phổi tại Việt Nam phân thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó loại không tế bào nhỏ chiếm đến 85%.
Điều trị ung thư phổi tại Việt Nam phụ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư, thường kết hợp các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, và liệu pháp miễn dịch.
Việc phát hiện sớm ung thư phổi thông qua sàng lọc là vô cùng quan trọng để tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.
Việc ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến đang được nghiên cứu và phát triển để cải thiện tình hình nhưng cần thiết nhất vẫn là sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.
“Với sự thành công ở TPHCM, chương trình tiếp tục được phát động tại Hà Nội vào ngày 17/12 tới, người dân tham gia khám sàng lọc sẽ được hỗ trợ đánh giá sức khỏe bằng những công cụ chẩn đoán thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Các nhóm chuyên gia y tế cũng hỗ trợ người dân trực tiếp tại chương trình hoặc gián tiếp qua các ứng dụng điện thoại”, DS Tú chia sẻ.