Ăn ốc “tái”, người phụ nữ bị giun phổi chuột xâm nhập vào não lâm nguy


Ngày 29/4, đại diện khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa phát hiện một trường hợp nhiễm giun ký sinh nguy hiểm trên não.

Bệnh nhân là chị K.L (43 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, chị L. có ăn món ốc bươu vàng tái (không nấu chín). Sau đó, chị cảm thấy đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, buồn nôn và đau cổ vai gáy.

Ban đầu, người phụ nữ nghĩ là cảm cúm thông thường nhưng uống thuốc không khỏi. Trải qua 4 ngày liên tiếp, tình trạng đau đầu ngày một nặng nề hơn khiến chị L. phải nhập viện.

Thời điểm vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, bệnh nhân có các triệu chứng như đau đầu dữ dội về đêm, méo miệng, lé mắt, nhìn đôi, ngứa ran tay chân.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khắc Giáp, cho biết qua theo dõi, ê-kíp điều trị nghi ngờ đây không phải bệnh lý thông thường, mà có thể liên quan đến tình trạng nhiễm trùng thần kinh.

Người bệnh nhanh chóng được xét nghiệm máu, ghi nhận tỷ lệ bạch cầu ái toan (một loại tế bào miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm ký sinh trùng) tăng cao. Đồng thời, kết quả MRI sọ não cho thấy có viêm màng não lan tỏa.

Ăn ốc tái, người phụ nữ bị giun phổi chuột xâm nhập vào não lâm nguy - 1

Giun phổi chuột (Ảnh: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM).

Chị L. tiếp tục được chỉ định chọc dịch não tủy để làm xét nghiệm PCR, cho kết quả dương tính với Angiostrongylus cantonensis (còn gọi là giun phổi chuột), một loại giun tròn ký sinh được truyền giữa chuột và động vật thân mềm (như ốc), có thể xâm nhập vào não người gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương.

Sau khi xác định được nguyên nhân, các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp đã nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh. Bởi nếu không điều trị kịp thời, tình trạng đau đầu, nhìn mờ, yếu liệt của người phụ nữ sẽ nặng hơn, để lại tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí gây tử vong.

“Thời gian nhập viện và chẩn đoán sớm, cùng với các xét nghiệm kỹ thuật cao là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ điều trị thành công cho người bệnh”, bác sĩ Giáp cho biết.

Chị L. được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn bằng thuốc kháng viêm liều cao và thuốc đặc trị ký sinh trùng.

Sau hai tuần theo dõi liên tục, tình trạng của chị cải thiện rõ rệt, cơn đau đầu giảm hẳn, các triệu chứng méo miệng, nhìn đôi cũng biến mất. Bệnh nhân được cho xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định.

Ăn ốc tái, người phụ nữ bị giun phổi chuột xâm nhập vào não lâm nguy - 2

Sau quá trình điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, nữ bệnh nhân đã ổn định sức khỏe (Ảnh: Bệnh viện).

Theo bác sĩ Giáp, ốc bươu vàng là loài rất thường gặp tại các cánh đồng trũng thấp, gần ao hồ, kênh rạch với tốc độ sinh sôi rất nhanh tại vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Chúng cũng mang nhiều chất độc và ký sinh trùng nguy hiểm. Việc ăn ốc bươu vàng sống hoặc chưa nấu chín kỹ là nguy cơ đưa mầm bệnh vào cơ thể nhanh nhất.

Vào năm 2008, tại khu vực Tây Nam Bộ từng xảy ra vụ việc nhiều người thương vong do ngộ độc nặng sau khi ăn ốc bươu vàng sống vắt chanh kết hợp uống rượu. Đến năm 2016, 4 trẻ em ở Đồng Tháp cũng được phát hiện viêm màng não do ăn ốc bươu vàng sống.

“Ăn ốc bươu vàng hoặc các loại ốc khác không qua chế biến kỹ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh chết người, từ ngộ độc cho đến nhiễm ký sinh trùng gây bệnh.

Do đó, người dân tuyệt đối không ăn ốc sống. Nếu đau đầu kéo dài, buồn nôn hoặc có dấu hiệu thần kinh bất thường sau khi ăn ốc hoặc các thực phẩm chưa qua nấu chín, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt”, bác sĩ khuyến cáo.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *