Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, theo chương trình nghị sự. Đây là dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.
Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là một trong những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung lần này.
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cũng dành phần lớn dung lượng thể hiện các ý kiến khác nhau về việc này.
Một số ý kiến không đồng tình với việc cho phép bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử, trong khi một số ý kiến khác tán thành và cho rằng quy định này là cần thiết, phù hợp thực tiễn.
Có thể thấy việc mua bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử là một nhu cầu phù hợp với thực tiễn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến kiểm soát chất lượng, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nhìn ra thế giới, các nước đang giải quyết những thách thức này như thế nào?
Thị trường thuốc trực tuyến bùng nổ sau Covid-19
Theo báo cáo mới nhất của Convert Group Global Study, năm 2022 ghi nhận hơn 13,6 tỷ lượt truy cập vào các nhà thuốc trực tuyến tại 89 quốc gia, với mức tăng trưởng 8,1% so với năm trước.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong số 89 quốc gia này, 47 quốc gia đã cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng.
Theo Báo cáo Thị trường Nhà thuốc Trực tuyến Toàn cầu 2022, quy mô thị trường này đã đạt khoảng 68 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ 17,7% hàng năm cho đến năm 2030.
Điều này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng khi người mua ngày càng ưu tiên việc mua thuốc trực tuyến nhờ vào sự tiện lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng.
Brazil và Nga dẫn đầu với 6 nhà thuốc trực tuyến có lượt truy cập trên 5 triệu mỗi tháng trong năm 2022. Mỹ và Ấn Độ theo sau với 5 nhà thuốc và Vương quốc Anh có 3 nhà thuốc trực tuyến hàng đầu.
Các quốc gia có tỷ lệ truy cập trực tuyến cao nhất bao gồm: Thụy Điển, với 24.058 lượt truy cập/1.000 cư dân, tiếp theo là Bulgaria, Na Uy, và Lithuania.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong việc truy cập nhà thuốc trực tuyến bao gồm Tây Á (+51%) và Đông Nam Á (+49,2%).
Xu hướng này đặc biệt nổi bật sau đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng dần quen với việc mua sắm trực tuyến và không có dấu hiệu suy giảm. Theo nghiên cứu, sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong lĩnh vực dược phẩm không chỉ do tính tiện lợi mà còn bởi khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ việc mua thuốc cho đến tư vấn y tế trực tuyến.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của thị trường là sự gia tăng của dịch vụ y tế từ xa (telemedicine).
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong thời kỳ đại dịch Covid-19, các nền tảng tư vấn từ xa (teleconsulting) tại Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng từ 50% đến 100%.
Các chuỗi bệnh viện hàng đầu đã thực hiện từ 200 đến 500 cuộc tư vấn từ xa mỗi ngày trong thời gian phong tỏa, sử dụng các nền tảng y tế từ xa như: MDLive và Practo.
Kết quả là nhiều công ty đã hợp tác với các nhà cung cấp dược phẩm trực tuyến (e-pharmacy) và mở rộng các dịch vụ y tế từ xa. Những sáng kiến này mang lại cho bệnh nhân lựa chọn nhận thuốc qua đường bưu điện trực tiếp tại nhà, đồng thời cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Có đến 80% bác sĩ lâm sàng cho biết họ mong muốn tiếp tục sử dụng y tế từ xa trong tương lai.
Các nước quản lý mua bán thuốc trực tuyến thế nào?
Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau trong việc quản lý việc bán thuốc trực tuyến, đặc biệt là về các quy định liên quan đến thuốc kê đơn, chất lượng sản phẩm và quá trình vận chuyển.
Mỹ: Hệ thống quản lý chặt chẽ với sự tham gia của nhiều cơ quan
Tại Mỹ, việc quản lý bán thuốc trực tuyến được giám sát bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của các loại thuốc lưu hành trên thị trường.
Các quy định của FDA yêu cầu các nhà thuốc trực tuyến phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như:
– Đăng ký với cơ quan quản lý để được cấp phép bán thuốc.
– Công khai thông tin về nguồn gốc thuốc và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình vận chuyển.
– Chỉ được bán thuốc kê đơn nếu có sự giám sát và tư vấn từ bác sĩ được cấp phép.
Mỹ cũng đặc biệt chú trọng việc xác minh các nhà thuốc trực tuyến qua chương trình Verified Internet Pharmacy Practice Sites (VIPPS), do Hiệp hội Dược Quốc gia quản lý. Chương trình được thiết kế để giúp người tiêu dùng nhận diện các nhà thuốc trực tuyến hợp pháp và an toàn. Chương trình này ra đời nhằm đối phó với vấn đề bán thuốc giả, thuốc không được kiểm duyệt hoặc thuốc được cung cấp bởi các nhà thuốc trực tuyến không có giấy phép.
Các nhà thuốc trực tuyến muốn được chứng nhận VIPPS phải tuân thủ một loạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm:
– Giấy phép hợp pháp: Nhà thuốc phải được cấp phép hoạt động bởi các cơ quan quản lý y tế địa phương và liên bang.
– Bảo đảm quyền riêng tư: Phải có các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu sức khỏe của khách hàng.
– Tiêu chuẩn chất lượng: Nhà thuốc phải tuân thủ các quy định về lưu trữ, vận chuyển và phân phối thuốc, đảm bảo thuốc được bảo quản đúng cách.
– Dịch vụ y tế từ xa: Các nhà thuốc có thể cung cấp tư vấn y tế trực tuyến qua các bác sĩ hoặc dược sĩ có giấy phép.
Những nhà thuốc trực tuyến được VIPPS chứng nhận sẽ hiển thị logo VIPPS trên trang web của họ, cho phép người tiêu dùng kiểm tra tính hợp pháp của nhà thuốc.
VIPPS đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng khi mua thuốc trực tuyến và ngăn chặn sự lan rộng của các nhà thuốc không được cấp phép trên Internet.
Châu Âu: Quy định riêng của các quốc gia
Thị trường dược phẩm thương mại điện tử tại châu Âu phát triển đa dạng, với sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia.
Theo Consumer choice center, bên cạnh Anh, trong số 27 nước thuộc Liên minh châu Âu, chỉ có 6 nước (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Estonia và Đức) cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng. Đối với thuốc không kê đơn, hầu hết các quốc gia ở châu lục này đều cho phép mua bán qua thương mại điện tử.
Một số quốc gia Bắc Âu như Estonia và Phần Lan đã có những bước tiến xa hơn trong việc áp dụng đơn thuốc điện tử (e-prescription). Công dân Phần Lan có thể sử dụng đơn thuốc điện tử của mình để mua thuốc tại Estonia nhờ vào hệ thống số hóa y tế tiên tiến. Điều này không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ sử dụng sai thuốc.
Theo cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu: European Medicines Agency (EMA), tại EU, người tiêu dùng có thể mua thuốc trực tuyến từ các nhà bán lẻ đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên EU.
Việc mua thuốc từ những nhà bán lẻ đã đăng ký giúp giảm nguy cơ mua phải thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả.
Ủy ban châu Âu cũng đã giới thiệu một logo chung cho các nhà bán lẻ trực tuyến hợp pháp. Logo này xuất hiện trên trang web của những nhà bán lẻ đã được phê duyệt, và khi nhấp vào logo, người tiêu dùng sẽ được chuyển hướng đến trang web chính thức của cơ quan quản lý quốc gia để kiểm tra tính hợp pháp của nhà thuốc .
Trung Quốc: Thị trường dược phẩm trực tuyến đang bùng nổ
Với dân số đông đảo và thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc đã nhanh chóng đón nhận xu hướng bán thuốc trực tuyến. Các công ty lớn như Alibaba và JD.com đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, cung cấp cả thuốc kê đơn và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.
Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc (NMPA) đã đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về việc đăng ký và giám sát các nhà thuốc trực tuyến, cũng như bắt buộc phải có bác sĩ tư vấn trong quá trình mua bán.
Từ năm 2022, Trung Quốc đã chính thức cho phép bán thuốc kê đơn trực tuyến trên toàn quốc, với quy định chi tiết về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ quy trình kê đơn điện tử.
Các nhà cung cấp thuốc phải có giấy phép và chỉ được bán thuốc theo các đơn kê hợp lệ từ các cơ sở y tế được chấp nhận.
Ngoài ra, việc bán các loại dược phẩm như: vaccine, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, các sản phẩm từ máu, thuốc có phóng xạ… qua mạng là bị cấm.
Các công ty bán thuốc kê đơn trực tuyến phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để tránh việc bán thuốc dựa trên đơn thuốc giả hoặc việc sử dụng lại một đơn thuốc bởi nhiều người mua:
– Việc bán thuốc kê đơn trực tuyến cho cá nhân phải dựa trên các đơn thuốc từ nguồn đáng tin cậy và xác thực, và người mua phải đăng ký bằng tên thật.
– Nhà bán thuốc trực tuyến phải ký hợp đồng với các nhà cung cấp đơn thuốc điện tử, kiểm tra các đơn thuốc và chuẩn bị thuốc phù hợp.
– Sau khi sử dụng, các đơn thuốc cần được đánh dấu để tránh việc sử dụng lại.
– Nền tảng thương mại điện tử thứ ba phải xác minh các nhà cung cấp đơn thuốc điện tử và ký kết thỏa thuận với họ.
– Nhà bán thuốc trực tuyến phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc sử dụng lại đơn thuốc nếu đơn thuốc được cung cấp dưới dạng bản giấy.
Các sàn thương mại điện tử lớn như Tmall và JD.com đóng vai trò trung gian quan trọng, cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và đáng tin cậy, giúp mở rộng thị trường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
Nhấn mạnh thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng trong khi kinh doanh theo phương thức điện tử là một hình thức kinh doanh mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, các quy định của dự thảo Luật về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử dự kiến được chỉnh lý theo hướng, các cơ sở muốn kinh doanh theo phương thức này phải đáp ứng đủ điều kiện quy định trong luật.
Để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định việc cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến, để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm.