Chiều tối 16/2, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, chỉ trong vài ngày qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã ghi nhận 2 trường hợp “vô phương cứu chữa” vì mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn.
Trường hợp đầu tiên là ông T.T.H. (57 tuổi, quê Cà Mau), nhập viện vào khuya 11/2 với bệnh sử xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió, kích động, dị cảm ngón tay lan ra cánh tay phải. Cách nhập viện 4 tháng, ông H. bị chó cắn vào ngón tay nhưng không đi tiêm ngừa.
Tại khoa Cấp cứu, kết quả xét nghiệm của người đàn ông dương tính với virus dại. Bệnh nhân được cho dùng kháng sinh, thuốc an thần, điều trị tích cực nhưng không hiệu quả vì bệnh dại đã phát nặng. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, gia đình xin cho bệnh nhân về. Đến ngày 12/2, ông H. tử vong.
Trường hợp thứ hai là một bé gái tên T.T.H.T. (4 tuổi, quê Bình Thuận), được chuyển vào bệnh viện ở TPHCM ngày 14/2 trong tình trạng ăn uống kém, thở không đều, sợ nước và gió, mệt nhiều, sốt. Theo điều tra dịch tễ, trước đó 7 ngày, bé bị chó cắn vào vùng mặt (trước vùng trán, quanh mắt, gò má) và cũng không đi tiêm ngừa.
Con chó cắn bé gái có biểu hiện hung dữ, chảy nước bọt nhiều, bị đánh chết sau khi sự việc xảy ra.
Tại khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bé T. có biểu hiện hoảng sợ, la hét, kích động khi được quạt gió và đưa nước. Ngoài ra, bé sốt 39 độ C, có sẹo đã lành ở vùng bị chó cắn.
Bệnh nhi cũng được điều trị tích cực, sau đó được tư vấn và cho về, với chẩn đoán mắc bệnh dại nặng. Đến chiều tối 15/2, cháu bé không qua khỏi.
Theo các bác sĩ, mỗi lần tiếp nhận các trường hợp bệnh dại lại là một nỗi xót xa của các nhân viên y tế. Bệnh nhân đa số ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn và không có kiến thức nhiều, bị chó cắn không biết cách xử trí, ngại đi chích ngừa.
Trong khi đó, chó ở vùng quê thường được thả rông và không chích ngừa. Y văn đã ghi nhận những trường hợp ủ bệnh dại đến 19 năm, sau đó mới phát bệnh và gây tử vong.
Người mắc bệnh dại từ khi vào viện đến khi mất tri giác vẫn còn tỉnh táo. Nhưng sau cơn hoảng loạn tăng kích thích cực độ, bệnh nhân tiến triển nhanh chóng đến ngưng tim, ngưng thở đột ngột mà không thể cứu chữa.
Bác sĩ khuyến cáo, chó mèo không chỉ cắn mới gây bệnh dại mà việc liếm vào vết thương, cào cấu cũng là ngõ vào của virus dại. Do đó, người dân phải chú ý chích ngừa cho chó, mèo. Khi bị cắn, cào, liếm vào vết thương, nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục… phải đi kiểm tra và tiêm ngừa ngay.