Ngày 9/4, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, vừa qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nhiễm sởi biến chứng nặng.

Tiêm vaccine sởi là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất (ảnh: Thành Đông).
Bệnh nhân là bé A.T. (11 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng từ viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), theo dõi thuyên tắc phổi. Bệnh nhân đang điều trị bạch cầu cấp dòng Lympho (ung thư máu) và có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi trước đó.
Khai thác bệnh sử, cách đây 3 năm bé phát hiện bị bệnh bạch cầu cấp dòng Lympho, phải điều trị kéo dài tại một bệnh viện chuyên khoa ở TPHCM. Vì sức khỏe suy giảm, bé chỉ ở nhà không được đến trường.
Thời gian gần đây, vì bé gái mong muốn được đi học và thấy sức khỏe bệnh nhi ổn định hơn, gia đình đã thu xếp cho con đến trường. Tuy nhiên, bé không may bị lây bệnh sởi từ bạn cùng lớp (bệnh nhi đang dùng thuốc đặc trị ung thư nên không thể tiêm ngừa sởi).
Khi được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhi đã trong tình trạng hôn mê, phải đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực.
Dù các bác sĩ đã dùng những cách tốt nhất có thể với chi phí rất cao, nhưng vì tình trạng quá nặng nên bệnh nhi không còn khả năng cứu chữa, được gia đình xin về nhà sau hơn 2 tuần điều trị.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần 13 của năm (từ ngày 24/3 đến ngày 30/3), TPHCM ghi nhận 243 ca sởi có địa chỉ tại địa phương, giảm 7,7% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu dịch đến tuần 13 ở TPHCM là hơn 8.300 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao đến nay là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.
Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối ở TPHCM, hầu hết trường hợp nhập viện điều trị sởi thời gian gần đây là trẻ từ các tỉnh thành khác chuyển đến, chia làm 3 đối tượng.
Thứ nhất là trẻ không được tiêm vaccine. Nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ rằng mình ở khu vực khó nhiễm bệnh nên không cho con em tiêm, hoặc thậm chí vẫn còn tư tưởng “anti vaccine”.
Thứ hai, bệnh nhi mới tiêm chưa đủ số mũi. Thứ ba là các trường hợp trẻ chưa đủ tuổi tiêm ngừa đã bị lây bệnh từ người khác. Điều này không riêng ở trẻ em mà còn gặp ở người lớn tuổi.
Nhiều trẻ nhập viện phải nằm thở máy, hồi sức tích cực vì những biến chứng như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm đường ruột, nhiễm trùng máu… nhất là các trường hợp có bệnh nền (huyết học, bệnh tim bẩm sinh, thận hư…).
Dựa vào tình hình điều trị thời gian qua, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định tỷ lệ tiêm ngừa sởi ở các tỉnh ngoài TPHCM còn chưa cao.
Ngành y tế, các cơ quan chức năng cần tăng cường ý thức cho phụ huynh, để họ hiểu rõ việc tiêm vaccine là rất cần thiết.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, đến ngày 27/3, TPHCM đã có 22 phường, xã thuộc quận 1, quận 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện để ban hành quyết định công bố hết dịch sởi.
Qua đợt phòng chống dịch sởi này, TPHCM rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, việc công bố dịch kịp thời là cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ kế hoạch chống dịch. Thứ hai, cần chủ động bảo vệ trẻ nguy cơ cao để giảm ca nặng và tử vong.
Thứ ba, việc quản lý đối tượng tiêm chủng không chỉ phụ thuộc vào hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (NIIS) mà phải có sự cập nhật từ địa bàn. Thứ tư, cần lưu ý những trường hợp cha mẹ cho rằng trẻ đã tiêm đủ mũi nhưng không có tài liệu chứng minh để hỗ trợ phù hợp.
Phó giám đốc HCDC cũng cho rằng, cần có sự đồng bộ trong triển khai chiến dịch tiêm chủng giữa các tỉnh thành để kiểm soát dịch hiệu quả.