Bệnh “hiểm” hành hạ nhiều người: Đi không nổi, đang đứng bỗng ngã quỵ


Di chuyển khó khăn, ngồi một chỗ cũng đau

Anh N.M.T. (43 tuổi, quê Long An) chịu những cơn đau lưng kéo dài suốt nhiều năm, cùng tình trạng tê bì tay chân. 4 tháng gần đây, tình trạng của người đàn ông trở nên nặng hơn, kèm theo những cơn đau khớp do bệnh gout, khiến việc vận động sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy sức khỏe ngày càng ảnh hưởng, anh T. quyết định đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.

Qua kiểm tra lâm sàng và kết quả chụp MRI, bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh kết luận người bệnh bị thoát vị đĩa đệm trượt đốt sống L3, L4 gây chèn ép ống sống nặng. Sau hội chẩn kỹ lưỡng, ekip điều trị quyết định phẫu thuật cố định cột sống cho người bệnh bằng phương pháp bắt vít qua da.

Bệnh hiểm hành hạ nhiều người: Đi không nổi, đang đứng bỗng ngã quỵ - 1

Bệnh nhân được phẫu thuật cố định cột sống bằng phương pháp bắt vít qua da (Ảnh: BV).

Ca phẫu thuật cột sống do bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thế Thuần, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cùng cộng sự thực hiện đã diễn ra thành công. Một ngày sau phẫu thuật, người bệnh đã bắt đầu tập ngồi và đi lại, vận động bình thường, không còn cảm thấy đau nhức vùng lưng hay tê chân.

Bác sĩ Thuần cho biết, kỹ thuật bắt vít qua da qua cuống đốt sống dưới hướng dẫn của máy C-arm là phương pháp phẫu thuật hiện được áp dụng rộng rãi trong điều trị chấn thương cột sống, với điểm nổi bật là ít xâm lấn, không cần phải mở rộng và bóc tách cân cơ vào đốt sống như các phương pháp truyền thống.

Nhờ đó, giúp hạn chế tối đa các tổn thương đến cân cơ, giảm lượng máu bị mất, đem lại hiệu quả điều trị cao, rút ngắn thời gian nằm viện so với phương pháp truyền thống.

Cũng chịu cảnh đau lưng thường xuyên là bé T.T.K.T. (13 tuổi). Khai thác bệnh sử, bé chỉ ngồi hoặc đứng trong năm phút là sẽ đau mỏi lưng, cơn đau lan xuống cả hai chân. Thấy tình trạng bệnh của bé trai ngày càng nặng hơn, gia đình đã đưa bé đến một bệnh viện ở TPHCM để thăm khám điều trị.

Bệnh hiểm hành hạ nhiều người: Đi không nổi, đang đứng bỗng ngã quỵ - 2

Bé gái 13 tuổi bị trượt đốt sống thắt lưng bẩm sinh (Ảnh: BV).

Tại khoa Sọ não – Cột sống 2, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám kỹ lưỡng và chụp MRI cột sống thắt lưng. Kết quả cho thấy bệnh nhi bị thoát vị đĩa đệm trượt đốt sống thắt lưng L5-S1 độ 3 bẩm sinh, kèm dị tật mạch vành.

Các bác sĩ nhận định, bệnh nhi đang trong độ tuổi phát triển nhanh nhất của tuổi dậy thì, nếu trì hoãn điều trị sẽ khiến cột sống lưng ngày càng đau trầm trọng kèm các biến chứng khác, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ trong hiện tại và tương lai.

Do đó, dù đây là ca mổ phức tạp với nguy cơ tai biến cao, các bác sĩ vẫn quyết định thực hiện, với sự đồng thuận từ gia đình.

Bệnh nhi được phẫu thuật chỉnh trượt cột sống thắt lưng, giúp cho đốt sống trở về vị trí ban đầu, giải phóng chèn ép thần kinh, để bé có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Sau 2,5 giờ, ca mổ đã thành công. Cùng với sự hỗ trợ của khoa Phục hồi chức năng, bệnh nhi đi lại được chỉ 3 ngày sau ca phẫu thuật.

Bệnh hiểm hành hạ nhiều người: Đi không nổi, đang đứng bỗng ngã quỵ - 3

Bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi (Ảnh: BV).

Cần chú ý đến tư thế làm việc

Theo các bác sĩ, trượt đốt sống thắt lưng bẩm sinh là một bệnh cảnh phức tạp. Khác với tình trạng thoái hóa ở người lớn tuổi, bệnh lý này ở trẻ em thường đi kèm với một số bất thường khác, nên cần tầm soát kỹ trước khi phẫu thuật với những yêu cầu đặc biệt, có bác sĩ vững chuyên môn cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại.

Tương tự 2 trường hợp trên, anh Đ.P.D. (29 tuổi), làm việc tại một xưởng in ở TPHCM cũng được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, cứ ngưng thuốc thì đau dữ dội. Trong một lần đang đứng, anh bất ngờ ngã sụp xuống đất.

Bệnh hiểm hành hạ nhiều người: Đi không nổi, đang đứng bỗng ngã quỵ - 4

Sau khi được phẫu thuật và điều trị tích cực, bệnh nhân D. đã đi đứng bình thường (Ảnh: BV).

Nhận thấy bệnh trở nặng, chàng trai đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) để được kiểm tra sức khỏe. Tại đây sau khi làm các chẩn đoán hình ảnh, anh được bác sĩ xác định bệnh lý hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm L4-L5, L5-S1, chèn ép thần kinh nặng.

Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng phẫu thuật OLIF (một kỹ thuật ghép xương liên thân đốt xâm lấn tối thiểu). Sau phẫu thuật 4 ngày, anh D. đã đi lại bình thường.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người thường xuyên làm những công việc nặng nhọc, khuân vác… phải luôn chú ý đến tư thế đúng khi làm việc, hạn chế mang vác quá nặng, quá lớn so với tỷ lệ cơ thể để tránh tình trạng đau, vẹo, xụp cột sống.

Khi xuất hiện các triệu chứng như đau thắt lưng, tê bì chân tay, đứng ngồi khó khăn phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, kiểm tra và tư vấn điều trị phù hợp, phòng tránh các biến chứng.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *