Hoại tử não, xoang mặt vì nhiễm nấm đen
PGS Cường cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu phát hiện và điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm nấm đen và con số bệnh nhân ngày càng tăng lên.
Năm 2022, Bệnh viện tiếp nhận 20 ca, năm 2023 là 30 ca và tính đến hết quý 3 năm nay, số bệnh nhân đã là 40 ca.
“Số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng với bệnh cảnh phức tạp do phát hiện khó, điều trị nhiều thách thức. Có người bệnh đi khám và điều trị tới hơn chục bệnh viện mà không ra bệnh. Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen để lại di chứng nghiêm trọng, tính mạng bị đe dọa và chất lượng cuộc sống bị giảm sút”, PGS Cường thông tin.
Như trường hợp của bệnh nhân N.Q.T. (69 tuổi, quê Hải Dương). Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường, huyết áp cao bị đau nửa mặt, đau răng và nhổ răng từ tháng 6 năm nay.
Từ thời điểm đó, bệnh nhân liên tục sốt cao, đau nhức mặt, hàm, đau đầu, đã đi khám và điều trị các chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, thần kinh tại nhiều bệnh viện lớn nhưng không khỏi.
Ngày 30/9, bệnh nhân được đưa tới Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau vùng mặt bên phải và có áp xe phổi kèm theo.
“Bệnh nhân được xác định bị nhiễm nấm đen. Nấm đen đã thâm nhập sâu vào phổi, các xoang mặt và não, gây áp xe phổi, hoại tử một phần não và xoang mặt.
Sau khi đưa ra hội chẩn toàn viện, người bệnh đã được các bác sĩ phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật tai mũi họng kết hợp mổ để cắt bỏ phần mô hoại tử ở não và xoang. Hiện bệnh nhân được theo dõi và tiếp tục điều trị tích cực”, PGS Cường cho biết.
Theo PGS Cường, rất nhiều bệnh nhân sau khi đi thăm khám, điều trị nhiều nơi mà không phát hiện ra bệnh, khi vào đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã ở tình trạng nặng, nấm đã làm tổn thương não, phổi, mắt, vùng xoang mặt, niêm mạc đường tiêu hóa…
“Có trường hợp nhập viện khi một bên mắt, phần xoang mặt và một phần não bị hoại tử, nhiễm trùng, sốt cao, bội nhiễm khiến việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, di chứng có thể nặng nề, tiên lượng sự sống mong manh”, chuyên gia này cho biết.
Trên thực tế, có những bệnh nhân phải phẫu thuật bỏ bên mắt hoại tử, phẫu thuật cắt phần não hoại tử, phẫu thuật răng hàm mặt (cắt bỏ phần hoại tử xương hàm), phẫu thuật lồng ngực (xử lý áp xe phổi)… kết hợp điều trị nội khoa kéo dài tới vài tháng.
Nấm đen nguy hiểm, nhưng không lây từ người sang người
Theo PGS Cường, bệnh nhiễm nấm đen (black fungus) hay còn gọi là Mucormycosis là một nhiễm trùng nặng do nấm xâm nhập vào các mô sâu trong cơ thể gây tổn thương nhồi máu và hoại tử mô, tạo thành bệnh cảnh phá hủy xoang, gây áp xe não, phổi…
Các bào tử nấm đen có sẵn trong không khí, trên các bề mặt mà ta tiếp xúc, đặc biệt là những chỗ ẩm ướt, đất bùn, khu trang trại có phân gia súc, gỗ, cây lá, hoa quả thối rữa, ẩm mục.
Nấm lây truyền vào cơ thể người qua 2 con đường: Qua đường thở, hít phải các bào tử nấm đen và qua đường tiếp xúc vết thương hở như vết đứt tay, vết xước sâu, vết cào, các vết thương khác …
Tuy nhiên, nấm đen không lây truyền từ người sang người.
Nấm đen có thể thâm nhập vào phổi, vào các xoang hàm mặt và lây lan lên mắt, não, hoặc thâm nhập vào niêm mạc đường tiêu hóa.
Nghiêm trọng hơn, nấm đen còn thâm nhập vào đường máu, ảnh hưởng đến các cơ quan đích như não, tim, lách. Các cơ quan bị nấm đen thâm nhập có khả năng bị tắc mạch hoại tử và bị phá hủy nhanh chóng.
Căn bệnh này đặc biệt nguy hiểm với người có hệ miễn dịch yếu như: Người tiểu đường; người bệnh HIV; người nhiễm Covid-19 có biến chứng; người bệnh ung thư, ghép tạng; người bệnh sử dụng nhóm thuốc corticoid trong thời gian dài; trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân…
Đặc biệt với người bệnh đái tháo đường type 2, nhiễm toan ceton, khi nấm đen vào cơ thể sẽ khó chống đỡ, hơn nữa nấm đen ưa môi trường đường, phát triển mạnh từ đường, nên những ai có đường huyết cao, nấm dễ sinh sôi phát triển.
Vì thế, PGS Cường lưu ý, ở nhóm người có nguy cơ cao bị nấm đen, cần chú ý các triệu chứng như: Đau đầu, đau các xoang hàm mặt, sưng một bên mặt, đau sưng nề một bên mắt, mất khứu giác, sốt, ho và khó thở, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết dạ dày.
Bệnh nhân có những tổn thương màu đen đặc trưng trên da, xoang, mắt kèm phù nề tấy đỏ mô xung quanh.
Theo PGS Cường, đây là bệnh lý mới nổi tại Việt Nam sau Covid-19 do đó dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với nhiễm trùng do các vi khuẩn khác.
Để phòng nguy cơ nhiễm nấm đen, nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, công trường, nông trường, nông trại. Chú ý môi trường vệ sinh những nơi bão lũ, thiên tai, những nơi có phân gia súc, hoa màu, cây cối bị mục ải.
Cần sử dụng ủng, găng tay, quần áo bảo hộ khi tham gia lao động trong môi trường nêu trên. Cần vệ sinh nhà cửa và thân thể sạch sẽ. Môi trường sống và làm việc cần thông thoáng, tránh tù hãm, tối tăm, ẩm thấp.
Mỗi người cần kiểm soát đường máu, kiểm soát tốt các bệnh nền. Đối với nhóm nguy cơ cao với hệ miễn dịch bị suy yếu càng cần nâng cao phòng bệnh và khi thấy một trong những dấu hiệu của bệnh cần đi kiểm tra tại các bệnh viện lớn có đủ năng lực chẩn đoán và điều trị.