Ngày 18/10, đơn vị Thận nhân tạo đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên kỹ thuật chạy thận được triển khai trên huyện đảo duy nhất của TPHCM.
Được điều trị ngay chính quê hương mình sau thời gian dài phải vượt đường sá xa xôi tìm sự sống, nhiều bệnh nhân đã chia sẻ sự xúc động của mình.
Chị Nguyễn Thị Thảo (46 tuổi, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) vào năm 2008, chị phát hiện mình bị suy thận mạn, sau những cơn đau lưng kéo dài. Cần phải chạy thận định kỳ nhưng ở Cần Giờ không có cơ sở thực hiện, mỗi tuần 3 lần cứ đến ngày điều trị, chị phải nhờ con trai hoặc chồng chở lên Bệnh viện huyện Nhà Bè.
Khoảng thời gian sau đó, vì thấy quá bất tiện, dù hoàn cảnh không dư dả gì, bệnh nhân phải cắn răng thuê phòng trọ với giá 1,2 triệu đồng/tháng để ở lại những kỳ chạy thận.
“Lúc khỏe thì không sao, khi mệt phải phiền con cháu lên chăm sóc. Mỗi lần đi chạy thận về nhà tôi lại thấy mình là gánh nặng cho gia đình. Lúc nghe báo ở Cần Giờ có chạy thận, tôi mừng muốn khóc. Giờ đã có thể chạy về nhà, cũng ko còn tốn 1,2 triệu đồng thuê trọ nữa”, chị Thảo nói.
Ở giường bên cạnh, chị Lê Thị Kim Oanh (39 tuổi, ngụ xã Tam Thôn Hiệp) chia sẻ, 2 năm trước, chị bất ngờ phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối. Kể từ đó, mỗi tuần bệnh nhân phải di chuyển từ Cần Giờ lên trung tâm thành phố, điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
“Để chạy thận, tôi phải di chuyển từ 5h sáng, chồng hoặc con phải nghỉ làm, nghỉ học đưa tôi đi. Đến chiều mới về tới nhà. Mỗi lần như vậy, tôi mệt đứt hơi, cảm thấy mình thật “vô dụng” vì không làm gì nổi. Bây giờ chắc sẽ thoát cảnh đó rồi. Chi phí chạy thận cũng giảm được một nửa”, người phụ nữ vui mừng.
Xúc động nhất là trường hợp của chị Nhã Phương (32 tuổi, ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi chạy thận giống như cực hình, nhất là khi qua phà trời mưa. Có khi quá mệt, tôi ngất xỉu giữa đường, được người dân đưa vào bệnh viện. Nhiều lúc tủi thân vì mang bệnh tật, tôi thường xuyên bật khóc… Ai bị bệnh thận khổ lắm. Cảm ơn các bác sĩ đã giúp bệnh nhân được chạy thận tại chỗ”.
Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết – Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trước đây, có trường hợp từ xã đảo Thạnh An phải thuê trọ để vào trung tâm TPHCM chạy thận rất bất tiện, vất vả. Với người khỏe mạnh đi nhiều tiếng đồng hồ đã mệt. Còn với các bệnh nhân lọc máu, suy thận, suy tim thì không thể tưởng tượng được sự cực khổ như thế nào.
Thống kê cho thấy, hiện có 41 trường hợp bệnh nhân ở Cần Giờ lâm vào hoàn cảnh trên. Xuất phát từ thực tế đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã quyết định xung phong để hỗ trợ Cần Giờ trong việc chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân ngay tại địa phương.
Ngày 11/9, hệ thống lọc nước RO được đưa xuống Cần Giờ, 2 tuần sau thì đạt chuẩn. Và đến ngày 30/9, tất cả các khâu từ hành chính, tổ chức máy, nước chuẩn bị cho bệnh nhân lọc máu đã hoàn tất.
Trong thời gian đầu, có 5 máy chạy thận được triển khai tại đơn vị Thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Dự kiến trong vòng 2 tháng tới, sẽ có thêm 5 máy được lắp đặt bổ sung, tăng công suất có thể phục vụ từ 30 lên 60 bệnh nhân (3 ca/ngày).
Đến nay, đã có 16 trường hợp đăng ký chạy thận ngay tại Cần Giờ. Trong ngày đầu tiên triển khai, có 7 bệnh nhân sẽ được chạy thận.
Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM hoan nghênh Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã xung phong hỗ trợ kỹ thuật chạy thận cho Cần Giờ. Hoạt động này rất ý nghĩa, vì trước đó người bệnh của địa phương rất cực khổ, tốn kém khi đi chạy thận.
Giám đốc Sở Y tế cũng tiết lộ, sau ngày hôm nay, Sở sẽ chính thức khởi động đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ”, cũng như sớm trình kế hoạch tái lập Bệnh viện huyện Cần Giờ để UBND TPHCM phê duyệt.