Ngày 21/11, hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội (CTXH) và xin ý kiến dự thảo sửa đổi thông tư quy định về nhiệm vụ, hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện, do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chủ trì đã diễn ra tại TPHCM.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hoạt động CTXH trong bệnh viện thời gian qua đã có nhiều thành tựu, từ việc đặt nền móng, phát triển hệ thống các phòng/bộ phận CTXH đi kèm với chất lượng đang dần chuyên nghiệp hơn, đồng hành tích cực cùng người bệnh.
Từ đó, giúp giảm đi những khó khăn người bệnh gặp phải trong quá trình khám, chữa bệnh, đã được xã hội và nhân dân tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao.
Giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho hệ thống khám, chữa bệnh nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động CTXH trong bệnh viện, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước tiên tiến… để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.
Hoạt động CTXH của bệnh viện cũng cần quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn đến một số nhóm đối tượng đặc thù, như trẻ em, phụ nữ bị bạo lực, xâm hại, người khuyết tật, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, người bệnh ung thư…
Ngoài ra, cần phát huy vai trò phối hợp, đồng hành cùng nhân viên y tế trong công tác chuyên môn của bệnh viện.
Có thể kể đến như nâng cao hoạt động tư vấn tâm lý, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nguồn lực để nhân viên y tế điều trị cho người bệnh tốt hơn, hỗ trợ các vấn đề tâm lý – xã hội mà nhân viên y tế gặp phải trong quá trình khám, chữa bệnh.
Ông Khuê dẫn chứng, khi xảy ra tai biến y khoa trong bệnh viện, vì nhiều lý do, bác sĩ điều trị thường không thể gặp trực tiếp gia đình bệnh nhân ngay. Lúc này, phòng Công tác xã hội sẽ thay mặt tiếp xúc, chia buồn với gia đình.
“Người bệnh đang khỏe mạnh, vào bệnh viện khám và điều trị bất ngờ gặp tai biến y khoa dẫn đến tử vong, chắc chắn mình phải có lỗi trong đó. Phòng Công tác xã hội có thể đến chia sẻ, đồng cảm, thậm chí xin lỗi gia đình.
Việc xin lỗi rất bình thường và từ đó người ta sẽ thông cảm, bớt đi những khiếu kiện không đáng có, làm cho các thầy thuốc không may liên quan đến tai biến y khoa được thanh thản hơn…”, ông Khuê nói.
Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) chia sẻ, CTXH trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam có nhiều khó khăn.
Có thể kể đến như một số văn bản pháp quy, chính sách, cơ chế chưa đầy đủ; tỷ lệ nhân viên phòng CTXH được đào tạo chuyên ngành còn thấp, chưa có chương trình đào tạo; cơ sở vật chất phục vụ CTXH trong bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức; chế độ đãi ngộ với nhân viên CTXH chưa phù hợp…
Ông Hưng chia sẻ 5 định hướng đối với phát triển CTXH trong cơ sở khám chữa bệnh.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trong y tế. Thứ hai, xây dựng chuẩn năng lực về nhân viên CTXH. Thứ ba, tăng cường đào tạo chuyên ngành CTXH trong cơ sở khám chữa bệnh.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học. Thứ năm, từng bước triển khai các hoạt động CTXH lâm sàng trong bệnh viện theo mô hình của các nước phát triển.