Bệnh viện nhi ở TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục


Bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại

Tại hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư 43 ban hành năm 2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, diễn ra ngày 28/11 ở TPHCM, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, nghi ngờ bạo hành và bị xâm hại tình dục.

Cụ thể, trong năm 2024, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận và hỗ trợ 4 trường hợp nghi ngờ bạo hành, 2 trường hợp bị bạo hành và 1 trường hợp bị xâm hại tình dục.

Với thực tế trên, Bệnh viện Nhi đồng 2 không chỉ nắm vai trò trong chăm sóc về sức khỏe, tinh thần mà còn phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ. Do đó, đơn vị đã xây dựng mô hình phối hợp về phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.

Bệnh viện nhi ở TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục - 1

Buổi ký kết phối hợp bảo vệ trẻ em giữa Bệnh viện Nhi đồng 2 và các bên (Ảnh: Hoàng Lê).

Từ tháng 7, Bệnh viện đã ký kết với Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM và Công an phường Bến Nghé (quận 1) về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục và các hành vi khác.

Trong đó, về phía Bệnh viện Nhi đồng 2 có nhiệm vụ khám, điều trị và cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe, thương tích của trẻ em có nghi ngờ bị bạo hành, xâm hại tình dục; lưu trữ hồ sơ bệnh án; thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng; cung cấp hỗ trợ tâm lý cho trẻ em và gia đình; tham gia các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em.

Phía Công an phường Bến Nghé có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho trẻ em và cán bộ, nhân viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em; tiếp nhận thông tin, điều tra, xác minh và phối hợp các lực lượng chức năng trong việc phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em…

Còn phía Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM sẽ cung cấp, tư vấn pháp luật cho trẻ em và gia đình nạn nhân; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ trong các vụ việc; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền trẻ em.

Bệnh viện nhi ở TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục - 2

Các bên ký kết và có quy chế thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trẻ bị bạo hành, xâm hại cụ thể (Ảnh: Hoàng Lê).

Cần xây dựng mạng lưới hỗ trợ, tăng cường truyền thông bảo vệ trẻ em

Về hình thức phối hợp của mô hình, các bên thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về bạo hành, xâm hại trẻ em. Kế đến, tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất giữa các bên để đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp phối hợp hiệu quả.

Ngoài ra, các bên thực hiện các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp và báo cáo kết quả, đề xuất giải pháp cải tiến để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em.

Trong năm 2024, việc phối hợp trên đã mang lại nhiều hiệu quả. Điển hình như trường hợp của bé N.K.P.U. (gần 14 tuổi), được phá án một cách ngoạn mục trong đêm.

Bệnh viện nhi ở TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục - 3

Trường hợp bé gái bị mẹ đưa đi bán dâm gây phẫn nộ trong cộng đồng (Ảnh: Hoàng Lê).

Trước đó vào đầu tháng 3, thông qua trình báo của người cha, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã báo tin và phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2, Công an phường Bến Nghé (quận 1) điều tra, phát hiện bé U. bị mẹ ruột đưa đi bán dâm nhiều lần (khi bé mới 14 tuổi).

Sau đó, đối tượng mua dâm bé gái cùng người mẹ đã nhanh chóng bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Về các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình phối hợp trên, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, bên cạnh xây dựng cơ chế phối hợp, cần tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, xây dựng mạng lưới hỗ trợ và cơ sở dữ liệu thống kê các vụ bạo hành, xâm hại.

Sau các vụ việc phải có đánh giá, rút kinh nghiệm và tăng cường công tác truyền thông.

Báo cáo tại hội nghị, Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, sau 9 năm thực hiện Thông tư 43, ngành công tác xã hội (CTXH) trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, có 640 cơ sở khám chữa bệnh gửi báo cáo về hoạt động CTXH. Trong đó, có 197 bệnh viện đa khoa, 443 bệnh viện chuyên khoa, trải dài từ tuyến Trung ương, tỉnh thành đến các cơ sở quận huyện. 100% bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập phòng CTXH. Các BV tuyến quận, huyện đã có các tổ hoặc nhóm phân công thực hiện hoạt động CTXH.

“Trong 9 năm qua, gần 1 tỷ lượt người đã được chúng ta chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám chữa bệnh đối với người dân, những người có nhu cầu trên toàn quốc. Hàng triệu lượt người đã được hỗ trợ, tư vấn về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh trong khám chữa bệnh, chữa bệnh…”, ông Tuấn Hưng nêu các con số cụ thể đã đạt được của ngành CTXH.

Bệnh viện nhi ở TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục - 4

Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Lê).

Ông Hưng cũng chia sẻ thực trạng nhiều bệnh nhân tâm thần đã chữa bệnh ổn định nhưng người nhà không chịu nhận. Do đó, bộ phận CTXH phải gánh lấy, tìm cách hỗ trợ, giải quyết quyền lợi của họ sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, không ít bệnh nhân còn gặp khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, cần sự trợ giúp của CTXH.

Về việc hỗ trợ suất ăn, ông Hưng lưu ý nếu không kỹ lưỡng thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ rất nguy hiểm. Do đó, khi tiếp nhận suất ăn cần có quy trình tiếp nhận, giám sát chặt chẽ.

Hiện nay, thống kê có hơn 9.300 người làm nhiệm vụ CTXH, nhưng chỉ có hơn 10% được đào tạo, có bằng cấp, có kỹ năng về CTXH. Hơn 64% là nhân viên y tế, như điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y sinh…, còn lại là nhân viên văn phòng, kỹ sư làm CTXH. Trong những người có bằng cấp về CTXH, vẫn còn những trường hợp không có kiến thức về y tế.

Về vấn đề góp ý chỉnh sửa Thông tư 43 trước những tồn tại, vướng mắc, ông Hưng cho biết, có hơn 75% bệnh viện tuyến Trung ương đề xuất bỏ nhiệm vụ chồng chéo của CTXH với phòng Tổ chức cán bộ và, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; đề xuất bỏ nhiệm vụ không hỗ trợ khám chữa bệnh; đề xuất làm rõ mục đích vận động tài trợ hướng đến phục vụ khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ nguồn kinh phí cho CTXH.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *