WHO cảnh báo về một đại dịch khác trong tương lai
Theo USA Today, bệnh X không tồn tại, ít nhất là chưa tại thời điểm hiện tại. Đó là lý do tại sao các quan chức y tế đang lên kế hoạch để đảm bảo thế giới được chuẩn bị cho một loại virus chết người chưa xác định có thể gây ra một đại dịch khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos mới đây, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cùng nhau thảo luận về cách ngăn chặn mối đe dọa của một đại dịch thảm khốc khác.
Fox News đưa tin, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi các nước trên toàn thế giới cùng nhau ký kết một hiệp ước để giải quyết căn bệnh X gây chết người có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với Covid-19.
Ông Ghebreyesus phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng ông hy vọng các nước sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng 5 tới để giải quyết “kẻ thù chung” này.
“Có những điều chúng ta chưa biết có thể xảy ra và bất cứ điều gì xảy ra đều chỉ là vấn đề khi nào chứ không phải nếu. Vì vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị cho điều đó, đối với những căn bệnh mà chúng ta không biết.
Rất nhiều người đã thiệt mạng trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Lẽ ra họ có thể được cứu nhưng bệnh viện không đủ chỗ, không có đủ oxy. Vậy làm sao để chúng ta có thể có một hệ thống y tế có khả năng mở rộng khi cần thiết?”, ông Ghebreyesus nói.
Bệnh X là gì?
Về lý thuyết, theo WHO, thuật ngữ này thể hiện sự hiểu biết rằng một đại dịch quốc tế nghiêm trọng có thể xảy ra do một mầm bệnh chưa được biết đến. Chữ “X” có nghĩa là “bất ngờ”, nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà lãnh đạo không quan tâm đến việc đảm bảo thế giới sẵn sàng trong trường hợp một loại virus chết người tấn công.
Bệnh X không phải là một bệnh cụ thể mà là tên của một loại virus tiềm ẩn tương tự như Covid-19. Nó có thể là một tác nhân mới, virus, vi khuẩn hoặc nấm mà chúng ta chưa có phương pháp điều trị.
Cơ quan y tế toàn cầu đã phân loại căn bệnh chưa rõ tên này gồm Covid-19, Ebola, sốt Lassa, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), Nipah và virus Ebola, những căn bệnh đã gây tử vong trên diện rộng trong các đợt bùng phát.
WHO đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để chuẩn bị cho một đợt bùng phát khác (Ảnh: H.K).
Mầm bệnh lý thuyết này không phải chủ đề mới đối với WHO. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, cơ quan này đã dành nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh chết người tiếp theo.
WHO đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để chuẩn bị cho một đợt bùng phát khác bao gồm việc thành lập quỹ cho đại dịch và thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi.
Năm 2018, WHO đã bổ sung thuật ngữ này vào danh sách các bệnh và mầm bệnh ưu tiên được nghiên cứu và phát triển. Kế hoạch này, trong đó bao gồm SARS và Ebola, nhằm mục đích đẩy nhanh sự sẵn có của các xét nghiệm, vaccine và thuốc, từ đó có thể cứu sống nhiều người trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn.
Theo The Lancet, một báo cáo của WHO từ tháng 11/2022 đề cập rằng bệnh X được đưa vào để chỉ một mầm bệnh chưa xác định có thể gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên toàn cầu.
Thế giới đang lên kế hoạch cho đại dịch tiếp theo như thế nào?
Năm 2022, WHO đã khởi động một hệ sinh thái khoa học toàn cầu nhằm cập nhật danh sách các mầm bệnh có khả năng gây chết người cần đầu tư vào nghiên cứu để phát triển vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị hiệu quả.
Cách tiếp cận mới không chỉ tập trung vào từng mầm bệnh riêng lẻ mà còn tập trung vào toàn bộ các loại virus, vi khuẩn. Hơn 200 nhà khoa học từ 53 quốc gia đã tham gia nhằm đánh giá độc lập 30 họ virus, một nhóm vi khuẩn chính và cái gọi là mầm bệnh X, mà WHO lo ngại có khả năng gây ra một đại dịch toàn cầu nghiêm trọng khác.
WHO cho rằng cần tập trung nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc để ứng phó với các đại dịch trong tương lai (Ảnh: Newspress).
Theo cơ quan này, để theo dõi và quản lý các mối đe dọa virus mới nổi, WHO và các chuyên gia y tế khác đã bắt đầu tăng cường nỗ lực phát hiện và giám sát các căn bệnh chết người, tăng cường nghiên cứu và củng cố các thử nghiệm lâm sàng.
Bệnh X gây ra mối đe dọa gì?
Việc đưa bệnh X vào danh sách ưu tiên của WHO đồng nghĩa với việc các quan chức y tế tin rằng có mối đe dọa về một mầm bệnh chưa được biết đến (hoặc bị lãng quên từ lâu) gây ra dịch bệnh quốc tế nghiêm trọng trong tương lai.
Theo WHO, trên toàn thế giới, số lượng mầm bệnh tiềm tàng rất lớn, trong khi nguồn lực dành cho nghiên cứu và phát triển vaccine, thuốc còn hạn chế.
Danh sách này đã được tạo ra từ nhiều năm trước sau khi dịch Ebola ở Tây Phi giết chết hơn 11.300 người từ năm 2014 đến năm 2016. Nhờ đó, vaccine phòng bệnh Ebola đầu tiên đã ra đời và thử nghiệm trong vòng 1 năm.
Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, từng cho biết, các biện pháp như vậy là cần thiết để ứng phó với đại dịch nhanh chóng và hiệu quả.
Việt Nam đối mặt với nguy cơ lây lan nhiều dịch bệnh
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh diễn ra ngày 27/12/2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi.
Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.
“Vì thế, điều quan trọng là phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai”, Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.
Trong 3 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện liên tục của nhiều bệnh mới nổi nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật sang người như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola… Ước tính 60% các bệnh của con người, 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật.