Theo thống kê của Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5 triệu người bị đái tháo đường, trong đó 50% trường hợp không biết mắc bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, chỉ có 20% – 30% người bệnh tham gia điều trị.
Theo các nghiên cứu, người bệnh đái tháo đường nhiễm cúm sẽ làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận các mùa cúm năm 2021-2022 có khoảng 30% người lớn nhập viện vì cúm có bệnh nền là đái tháo đường. Nguy cơ tử vong do các biến chứng của cúm cao gấp 3 lần so với người khỏe mạnh.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM ghi nhận bệnh nhân N.T.M (70 tuổi, quận 10, TPHCM) nhập viện sau khi nhiễm cúm. Bệnh nhân bị đái tháo đường đã 6 năm nay và cho biết lúc đầu thấy triệu chứng đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi nên mua lá về xông và uống thêm vitamin C, nghĩ vài ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng nặng thêm với các dấu hiệu khó thở, đau tức ngực, thở gấp, người vã mồ hôi và mệt lả đi. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, biến chứng từ cúm trên nền bệnh lý đái tháo đường.
Giải thích về cơ chế bệnh cúm gây nguy hiểm hơn ở người mắc đái tháo đường, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị nhiễm trùng thứ phát do virus cúm gây nên, khiến tình trạng cúm nặng hơn, nền bệnh mạn tính cũng xấu hơn.
Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường thường gặp khó khăn trong việc điều trị tình trạng nhiễm trùng. Khi bị cúm, cơ thể sẽ tự sản xuất thêm glucose để cung cấp năng lượng chống lại nhiễm trùng đồng thời kích thích giải phóng các hormone làm giảm hiệu quả kháng insulin – có chức năng hạ thấp mức đường huyết.
Những yếu tố này khiến mức đường huyết của người mắc đái tháo đường luôn ở mức cao, khó trở lại bình thường, tăng nguy cơ nhiễm toan ceton (xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu), đe dọa tính mạng người bệnh.
Đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền như đái tháo đường, virus còn tấn công đường hô hấp dưới như phế nang gây viêm phổi hoặc biến chứng ở các bộ phận khác như viêm cơ tim, viêm màng não, gây hội chứng yếu liệt tứ chi. Ngoài ra, tình trạng béo phì, thừa cân ở người mắc bệnh đái tháo đường túyp 2 còn là yếu tố nguy cơ khiến bệnh viêm phổi tiến triển nặng hơn.
Người bị đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác, đặc biệt là người cao tuổi nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng cúm như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng; giữ không gian ở thoáng mát và thường xuyên vệ sinh các vật dụng dùng chung như tay nắm cửa, vật gia dụng. Trong đó, tiêm vaccine ngừa cúm là biện pháp được khuyến cáo nên ưu tiên để bảo vệ sức khỏe của người có bệnh mạn tính.
Các thống kê của CDC Mỹ chỉ ra rằng, tiêm phòng cúm giúp giảm 79% số người mắc đái tháo đường phải nhập viện. Các nghiên cứu tại Canada cũng cho thấy, người bệnh đái tháo đường được tiêm vaccine cúm có tỷ lệ tử vong thấp hơn 24% so với người không tiêm chủng. Vaccine phòng cúm cũng được khuyến cáo tiêm đều đặn mỗi năm cho người bệnh nền để đạt miễn dịch tối đa. Thời điểm lý tưởng để tiêm chủng là trước khi mùa cúm diễn ra.
Việc chủng ngừa có lợi ngay cả khi bị cúm. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2021 trên tạp chí chuyên ngành thế giới về bệnh nhiễm trùng Clinical Infectious Diseases của Hội truyền nhiễm Mỹ ở 1.670 người mắc bệnh đái tháo đường, việc tiêm vaccine cúm giúp giảm 46% số lần nhập viện do cúm, so với việc không tiêm vaccine cúm.
Hiện nay, hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các vaccine cúm tứ giá (phòng 4 chủng virus cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata) tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…, an toàn cho cả người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Đại diện VNVC khẳng định, tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng cao trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP và hệ thống dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín cùng quy trình thực hành an toàn tiêm chủng nghiêm ngặt.