“Bệnh lạ” khiến cơ thể bong vảy diện rộng
Đó là trường hợp của chị L.T.H. (33 tuổi). Từ khi gặp phải tình trạng trên, mỗi lúc ra khỏi nhà, người phụ nữ phải mặc áo quần dài che kín cơ thể, gần như chỉ lộ mặt. Có vài lần phần da đỏ loang lổ lộ ra khiến khách hàng giật mình, chị H. cũng mất tự tin, ảnh hưởng tới công việc.
Tại một cơ sở y tế, chị được chẩn đoán mắc bệnh vảy phấn hồng. Sau vài tuần điều trị không đỡ, các nốt ban ngày càng dày đặc, nổi thành mảng hồng ban tróc vảy lớn, gây khô da, ngứa nhiều.
“Bỗng nhiên mắc bệnh lạ trong khi bản thân và người nhà chưa ai từng bị khiến tôi rất lo lắng. Tôi sợ nhất là mắc bệnh vảy nến”, người phụ nữ chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da cho biết, lúc đầu mới nhìn vào triệu chứng, người bệnh sẽ dễ bị chẩn đoán nhầm thành mắc vảy nến.
Tuy nhiên khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ nhận thấy một số điểm đặc biệt, như sang thương màu đỏ cam có vảy mỏng; tăng sừng các điểm nang lông; giữa các vùng tổn thương có xen kẽ các da lành; không thấy sang thương móng dạng vảy nến…
Các đặc điểm sang thương này hướng đến dấu hiệu đặc trưng của bệnh vảy phấn đỏ nang lông (Pityriasis rrubrappilaris- PRP) nhiều hơn. Theo một báo cáo từ Hiệp hội da liễu Anh, tỷ lệ mắc bệnh trên vào khoảng 1/400.000 người. Chị H. được chỉ định lấy mẫu mô ở vùng phát ban làm sinh thiết, cho kết quả xác định mắc căn bệnh ít gặp trên.
Bệnh nhân được kê thuốc uống dạng dẫn xuất vitamin A (retinoid) có tác dụng kháng viêm, giảm sừng hóa nang lông, đồng thời thoa kem dưỡng ẩm toàn thân và đổi sữa tắm thành loại dịu nhẹ cho da. Sau hai tháng điều trị, tình trạng bệnh cải thiện khoảng 95%.
Dễ chẩn đoán nhầm thành vảy nến
Bác sĩ Lý Thiên Phúc, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da cho biết, bệnh PRP có thể gặp ở cả nam và nữ. Cơ chế gây bệnh vảy phấn đỏ nang lông còn chưa rõ ràng, có thể do di truyền hoặc mắc phải (sau nhiễm trùng, tiếp xúc tia UV, sử dụng thuốc hoặc sau tiêm ngừa…). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở nhóm 5-10 tuổi hay 51-60 tuổi.
Các triệu chứng của vảy phấn đỏ nang lông dễ nhầm lẫn với bệnh vảy nến hay vảy phấn hồng Gibert – vốn là những bệnh da liễu phổ biến – do đó bác sĩ phải rất thận trọng khi chẩn đoán. Nếu chẩn đoán nhầm dẫn đến chữa sai bệnh sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, cũng như tiên lượng diễn tiến của bệnh.
Bệnh có thể tiến triển gây biến chứng nặng, như nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, đỏ da toàn thân, gây mất nước, sốc nhiệt, rối loạn chuyển hóa…
Ngoài ra, tình trạng da đỏ và tróc vảy kéo dài cũng tác động đến tâm lý người bệnh, ảnh hưởng chất lượng sống, thẩm mỹ, giao tiếp.
Đặc biệt, nếu tự điều trị bằng các biện pháp dân gian, như đắp lá cây, tắm nước vôi, hoặc các bài thuốc gia truyền… có thể khiến bệnh nặng hơn, bội nhiễm, tốn kém chi phí điều trị.
Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh có thể ổn định, giảm dần và tự khỏi sau 3 năm. Riêng trường hợp do di truyền, việc điều trị sẽ khó hơn và bệnh có thể tồn tại suốt đời.
Bên cạnh hiệu quả, thuốc điều trị PRP cũng có một số tác dụng phụ, như có khả năng làm tăng men gan, mỡ máu, gây khô da, khô niêm mạc, không được dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú… Do đó, người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi, điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi có các triệu chứng bất thường trên da, nhất là khi sang thương lan rộng với diện tích da lớn (như nổi hồng ban tróc vảy, ngứa nhiều) cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị phù hợp.