Đó là trường hợp của chị H.M.T. (32 tuổi). Theo bệnh sử, cách đây 2 năm, núm vú phải của chị T. xuất hiện khối u cỡ hạt đậu xanh, không đau, không tiết dịch. Khi mang thai, u tăng kích thước nhanh chóng, khiến chị không thể mặc áo ngực do đau khi ma sát vào áo.
Sau sinh, vì khối u vẫn giữ nguyên kích thước, đôi khi trầy xước, chảy máu, chị T. lo lắng vì sợ mình mắc ung thư.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Vinh, khoa Ngoại Vú, bệnh viện ở TPHCM cho biết, qua thăm khám, ekip điều trị phát hiện khối u của bệnh nhân có kích thước 1,5×1,8cm dính vào núm vú phải.
Kết quả giải phẫu bệnh xác định, đây là u mềm treo ở núm vú (hay polyp sợi biểu mô ở núm vú – acrochordon) hiếm gặp. Hiện tại, y văn thế giới chỉ ghi nhận 7 trường hợp tương tự. Đây là dạng u mềm hoặc nốt nhỏ có cuống, lành tính, phát triển chậm, chủ yếu gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Bác sĩ Vinh cho biết, loại u này thường xuất hiện ở cổ, nách, vùng đáy chậu, đùi, âm hộ, dương vật, niệu đạo, nhưng hiếm gặp ở vú (đặc biệt là núm vú). Nguyên nhân gây u có thể xuất phát từ tổn thương bẩm sinh, kích ứng mạn tính, dị ứng và chấn thương.
Nếu nhìn bằng mắt thường, không có máy móc công nghệ cao hay giải phẫu bệnh hỗ trợ, bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm với polyp tuyến mồ hôi, núm vú thừa, u sợi thần kinh, u tuyến, u nhú, mụn cóc, u cơ trơn, nang biểu bì, ung thư da… do biểu hiện khá giống nhau.
Điều trị u mềm treo ở núm vú chủ yếu là phẫu thuật để cắt toàn bộ chân u, giữ núm vú. Với các u mềm treo núm vú có kích thước nhỏ, chưa ăn sâu vào núm vú, bác sĩ sẽ sử dụng nitơ lỏng hoặc đốt điện để loại bỏ u.
Trở lại với trường hợp của chị T., ekip khoa Ngoại Vú đã tiến hành tiêm thuốc tê, trước khi dùng dao cắt trọn khối u, bảo tồn núm vú phải. Ca phẫu thuật kết thúc trong 30 phút, giúp giải quyết bất tiện trong sinh hoạt của bệnh nhân trong suốt 2 năm qua.
“Tôi đã có thể mặc áo ngực trở lại và đi dáng thẳng lưng, tự tin ra ngoài, giao tiếp với mọi người” – chị T. chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự điều trị u mềm treo tại nhà bằng các loại thuốc dân gian hoặc thuốc không được bác sĩ kê đơn, dễ để lại các biến chứng sẹo, chảy máu nhiều, nhiễm trùng, tái phát… thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu nhầm với ung thư da.
Thay vào đó, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để có thể làm các xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị chính xác, phù hợp.