Cả năm chật vật giảm từng lạng, một mùa Tết tăng vèo 4kg
Kết thúc kỳ nghỉ Tết, Thảo Nguyên, sinh năm 2005, sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Mỹ Đình (Hà Nội) “tá hỏa” khi bước lên cân.
“Nửa tháng về nhà nghỉ Tết, tôi tăng 4kg. Cân nặng tiến sát về giai đoạn đỉnh điểm”, Nguyên thở dài ngán ngẩm.
Từng có thân hình khá mũm mĩm, lên đại học, Nguyên quyết định siết kỷ luật với bản thân để giảm cân. Cô mô tả đây là một hành trình gian nan.
“Tôi phải cắt toàn bộ những món ăn vặt mà trước đó tưởng không thể sống thiếu như: trà sữa, pizza… Bận đến mấy cũng phải về nhà nấu ăn để đảm bảo công thức khoa học.
Thực đơn lành mạnh thú thực rất tẻ nhạt và khá khó nuốt đối với người trẻ như tôi, khi hầu như chỉ có rau luộc, thịt nạc, ức gà.
Thêm vào đó hàng ngày tôi còn dành một tiếng để tập gym”, Nguyên thuật lại.
Tháng đầu tiên, cô gái trẻ giảm liền 2kg nhưng càng về sau cân nặng giảm càng chậm.
Nguyên chia sẻ: “Về sau, cả tháng gian nan chỉ đổi lại được 0,5kg cân nặng giảm xuống đã mừng lắm. Kết thúc học kỳ một về nghỉ Tết, tôi giảm được hơn 4kg”.
Thế nhưng tất cả thành quả này sớm sụp đổ chỉ vì “về nhà ăn Tết”. Theo Nguyên, năm đầu tiên về nhà từ khi lên đại học, các cuộc liên hoan, gặp mặt, họp lớp diễn ra dày đặc. Vui vì lâu ngày gặp được người thân, bạn bè, Nguyên tự cho mình được “xả hơi”.
Thêm vào đó, những bữa ăn do mẹ nấu “hợp khẩu vị” càng khiến cô sinh viên xa nhà “nới rộng” khẩu phần hàng ngày, với tâm lý “tranh thủ ăn cơm nhà vì Hà Nội không có”.
Những bữa ăn không kiểm soát, quên vận động cứ thế kéo cân nặng của Nguyên tăng dần lên.
Hết Tết, cảm thấy mình di chuyển nặng nề hơn thấy rõ, Nguyên mới sực nhớ về việc kiểm soát cân nặng thì “sự đã rồi”.
“Tôi bây giờ ở mức 55kg, coi như nửa năm giảm cân “khắc khổ” trở thành công cốc. Tôi ngán ngẩm khi nghĩ đến việc phải bắt đầu lại từ đầu”, Nguyên nói.
Giảm cân chật vật vì khó về guồng
“Ngày nào cũng nhậu”, Thanh Hải, 32 tuổi, một nhân viên văn phòng mô tả về kỳ nghỉ Tết của mình. Thậm chí đã hết kỳ nghỉ Tết nhưng theo Hải mô tả, lịch trình này vẫn tiếp tục.
“Trước Tết thì tất niên, trong Tết họp lớp, hội hè, sau Tết lại đến gặp mặt đầu xuân. Năm nào cũng vậy, qua kỳ nghỉ Tết, cân nặng của tôi tăng lên còn sức khỏe lại đi xuống rõ rệt”, Hải chia sẻ.
Ngay khi vừa kết thúc 9 ngày nghỉ Tết, Hải đi khám sức khỏe và nhận ngay “combo”: Men gan và mỡ máu cao.
Hải cho biết, mỗi sáng dù vẫn còn “không khí Tết”, vẫn phải cố gắng dậy từ 5h30 để có một tiếng chạy bộ, đến buổi chiều lại tranh thủ lúc tan tầm để tập gym.
Bữa sáng của người đàn ông này cũng chỉ còn lại đĩa rau luộc hoặc nước ép, sinh tố.
Anh cho biết bản thân vẫn chưa thể thích ứng tốt khi lối sống phải thay đổi 180 độ như vậy.
“Quen với việc ăn liên tục, không theo giờ giấc của ngày Tết nên khi áp dụng thực đơn lành mạnh, cứ vài tiếng tôi lại “buồn mồm” phải kiếm gì đó lót dạ. Hôm nào cố nhịn thì y như rằng lại cảm thấy đói, mệt mỏi không tập trung được.
Việc tập luyện cũng gián đoạn khi có lịch liên hoan xen vào. Ít nhất là khi các chuỗi tiệc tùng kết thúc, mục tiêu giảm cân, hạ mỡ máu, men gan của tôi mới có thể thực hiện hiệu quả”, Hải chia sẻ.
Cần sớm sinh hoạt điều độ sau Tết để phòng bệnh tật
Theo các chuyên gia, sau Tết, mọi người nên chú ý đảm bảo sức khỏe, không tiếp tục gây sức ép cho cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa, tim mạch, gan với chế độ ăn nhiều bia rượu và thực phẩm thiếu lành mạnh.
Bên cạnh đó, cần sớm ổn định lại giờ giấc sinh hoạt giúp “đồng hồ sinh học” của cơ thể không tiếp tục bị đảo lộn. Mất ngủ, thiếu ngủ dẫn tới đau đầu, tăng nguy cơ đột quỵ. Mọi người nên ngủ trước 22h và cách xa bữa ăn tối ít nhất một giờ.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người dân nên thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với lựa chọn phương pháp, cách thức hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi là giải pháp để lấy lại vóc dáng chuẩn chỉnh.
Để giảm cân, tránh béo phì, cần thiết kế cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng thay vì nhịn ăn cực đoan.
Chế độ ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể. Cụ thể, bữa ăn cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý.
Tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, giảm thừa cân, béo phì. Những hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi, duy trì đều đặn mỗi ngày và thường xuyên thay đổi giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ và sảng khoái.
Nguyên tắc để giảm cân an toàn là vẫn bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất trong khẩu phần như đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, nhưng chúng ta đưa mức năng lượng vào cơ thể thấp hơn so với mức đang tiêu thụ. Đi đôi với chế độ dinh dưỡng cần phải có vận động thể chất.
Mức tiêu hao năng lượng trong một ngày ở người trưởng thành khoảng 1.800- 2.200kcal tùy thuộc vào giới, mức độ lao động nhưng khi chúng ta nạp vào quá với nhu cầu hàng ngày mà không vận động, chỉ ngồi, nằm, lướt web sẽ gây tình trạng thừa năng lượng.
Do đó cần có chế độ tập luyện phù hợp. Bên cạnh các môn thể thao, những vận động đơn giản như: đi bộ, đạp xe cũng đã rất hữu ích, vừa tốt cho hệ tim mạch, vừa đốt cháy năng lượng thừa.