Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử


Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 1

“Chị Khuyên, giúp em bệnh nhân giường 4A”, điều dưỡng Nguyễn Hồng Vương, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tìm sự trợ giúp của “đồng đội” khi tiếp cận một trong những bệnh nhân nặng nhất.

Trên giường bệnh, người phụ nữ tóc bạc trắng, nằm mê man, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào hàng loạt các loại máy móc.

Trong lúc nữ hộ lý hỗ trợ nghiêng, trở người bệnh nhân, điều dưỡng trẻ này nhanh chóng thay bình truyền dịch vừa hết, xử lý ống thở… Khi đảm bảo các chỉ số không có gì bất thường, hai chị em lại tiếp tục nhiệm vụ ở giường kế bên.

Điều dưỡng Vương vừa dồn sức nâng người đàn ông to béo đang nằm bất tỉnh trên giường 3A lên, hộ lý Khuyên nhanh chóng hoàn tất việc cởi áo của bệnh nhân. Sự phối hợp nhịp nhàng như đã thành một thói quen.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 3

Mỗi bệnh nhân cần 15-20 phút cho việc vệ sinh cơ thể. Bệnh nhân bị loét nhiều do nằm lâu sẽ cần nhiều thời gian hơn, do phải thay băng vị trí bị loét chảy dịch.

“May hôm nay có cậu Vương to khỏe nên dễ vần các bệnh nhân béo. Gặp hôm chỉ có chị em gái trực thì vất lắm”, hộ lý Khuyên cười.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ để chuyển sang bệnh nhân tiếp theo, người đàn ông ở giường 3A lại “đi nặng”. Hai chị em coi như làm lại từ đầu. Trước mắt họ, vẫn còn 17 bệnh nhân chờ được tắm.

Lựa chọn theo ngành hồi sức tích cực vì có thể thử thách mình với nhiều thủ thuật hay, khó và góp sức vào việc cứu sống các bệnh nhân nặng nhất. Thế nhưng cậu thanh niên này thừa nhận mình bị ngợp trước khối lượng công việc khi bước vào “thực chiến”.

“Đặc thù bệnh nhân của khoa diễn biến liên tục, cần can thiệp và chăm sóc nhiều. Áp lực không chỉ vì có nhiều đầu việc, mà là các đầu việc thường xuyên phát sinh bất ngờ và “chồng lấp” lên nhau.

Chúng tôi đi theo từng giây từng phút để giành giật sự sống cho người bệnh”, Vương chia sẻ.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 5

Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có 40 giường, thường xuyên trong tình trạng hoạt động tối đa công suất. Khoảng một nửa số bệnh nhân có tình trạng đặc biệt nặng, nguy kịch được điều trị ở khu vực riêng.

Chỉ tính riêng các nhiệm vụ cố định, trung bình mỗi bệnh nhân trong một ngày cần 3 lần cho thuốc, 6 lần cho ăn, một lần tắm, trở người mỗi 3 tiếng một lần, một lần chụp X-quang. Ngoài ra, còn hàng loạt những can thiệp đột xuất dựa theo diễn biến bệnh và công tác nhập số liệu, giấy tờ.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 7

Ở giường bệnh nhân đã được tắm, các đồng nghiệp của Vương lại tiếp tục đến để cho thuốc, thực hiện y lệnh. Sau khi cho thuốc, bệnh nhân lại tiếp tục được cho ăn. Các đầu việc thực hiện cuốn chiếu, gối lên nhau để đảm bảo kịp tiến độ.

Tiếng báo động phát ra từ máy monitor của nam bệnh nhân đang nằm ở giường 12. Ở gần vị trí đang làm, điều dưỡng Cao Thị Giang tạm gác công việc để tiếp cận xử trí. Đọc được tình huống, nữ điều dưỡng dày dặn kinh nghiệm nhanh chóng hút đờm dãi gây tắc đường thở của bệnh nhân.

Bệnh nhân ổn định trở lại,điều dưỡng Giang ra tín hiệu “đã ổn” báo về bác sĩ trực trong phòng điều hành đang tập trung theo dõi.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 9

Phòng điều hành là tên gọi của một khu vực nằm ở Trung tâm Khoa Hồi sức tích cực. Căn phòng rộng khoảng 10 mét vuông được xem là “Tổng hành dinh” chỉ huy mọi “trận đánh” tại chốt chặn sinh tử này.

 Căn phòng có thiết kế bao quanh hoàn toàn là cửa kính. Các y bác sĩ từ đây có thể quan sát và phát hiện kịp thời diễn biến bất thường của bệnh nhân. Loạt màn hình máy tính hiển thị chỉ số sinh tồn của từng bệnh nhân hỗ trợ thêm cho công tác này.

“Chúng tôi không có giờ cao điểm. Sức nóng ở đây lúc nào cũng như vậy vì bệnh nhân đã vào hồi sức thì có thể diễn biến nặng bất cứ lúc nào. Những bệnh nhân phải lọc máu, thở máy diễn biến vài chục lần trong ngày là chuyện thường.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 11

Mỗi lần diễn biến đều là một lần bệnh nhân đứng trên lằn ranh sinh tử. Do đó, nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát chặt từng chỉ số 24/24 giờ để phát hiện bất thường sớm nhất có thể”, TS.BS Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc chia sẻ.

Trong phòng điều hành, 2 nữ điều dưỡng lần dò thông tin trong cuốn sổ dày cộp để cập nhật bệnh án và kê khai các vật tư, thuốc men dùng cho bệnh nhân. Công việc không khó nhưng ngốn nhiều thời gian và thường xuyên bị ngắt quãng mỗi khi tiếng bíp vang lên từ bệnh phòng.

“Chúng tôi cứ tranh thủ lúc ngớt việc trong bệnh phòng lại vào làm. Hôm nay đã làm thủ thuật gì, sử dụng những vật tư gì và tình trạng bệnh nhân như thế nào đều nhập hết”, điều dưỡng Giang nói.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 13

Sau 10 phút, điều dưỡng Giang lại gác việc nhập liệu vì đến giờ vỗ rung tập thở cho bệnh nhân đang trong quá trình cai thở máy.

– Bác ngồi thẳng lưng, hít sâu vào.

Điều dưỡng Giang hướng dẫn tập phục hồi cho cụ ông đang phải thở máy qua mở khí quản. Mỗi nhịp thở ra, cô dùng tay tạo lực vừa phải vào ngực bệnh nhân. Thao tác này giúp bệnh nhân tập tự thở và hỗ trợ tống CO2 ra khỏi phổi.

Cách đây 20 ngày, nam bệnh nhân này phải nhập viện vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) diễn biến nặng.

“Tập thở là một bước quan trọng trong quá trình phục hồi, giúp bệnh nhân cai thở máy. Cụ đã tập thở được một tuần. Với các bệnh nhân đáp ứng nhanh, thường chỉ mất 2-3 ngày”, điều dưỡng Giang phân tích.

Sau 30 phút tập thở, nữ điều dưỡng chuyển sang bước vỗ rung giúp bệnh nhân long đờm. Tay vỗ từng nhịp đều nhau, vừa đủ lực, mắt cô lại theo dõi sát màn hình máy monitor.

“Nếu SpO2 tụt hay mạch tăng nhanh quá là phải dừng ngay”, Giang nói.

Nam bệnh nhân này là một trong 5 bệnh nhân mà điều dưỡng Giang nhận nhiệm vụ tập thở trong ca trực hôm nay, đan xen là loạt nhiệm vụ khác.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 15

Vừa hoàn thành nhiệm vụ tắm cho bệnh nhân sau nhiều lần gián đoạn vì các đầu việc phát sinh, thấy đồng hồ điểm 11h50, điều dưỡng Vương liền gọi về báo gia đình không kịp về ăn trưa.

Sau cuộc gọi, Vương ngồi thừ trên giường một lúc lâu để nạp lại sức. Vầng trán mướt mồ hôi phản ánh một buổi sáng “khó nhằn” với chàng trai trẻ.

Vương tiết lộ anh không dám lấy người cùng ngành vì sợ khó quán xuyến được việc gia đình.

Một số y bác sĩ ăn trưa vội để tranh thủ chợp mắt dành sức cho cuộc chiến chiều nay.

“Nốt lặng” hiếm hoi nhanh chóng bị phá vỡ khi tiếng bánh xe vang lên từ phía hành lang. Nằm trên chiếc giường đang được đẩy đi rất nhanh, người đàn ông 81 tuổi mặt tái nhợt, mê man.

“Bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, tiền sử COPD, SpO2 chỉ còn 84%…”, bác sĩ khoa Cấp cứu vừa đẩy giường vừa trao đổi thông tin cho 4 y bác sĩ hồi sức tiếp nhận bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Đức Tuyển, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc nhanh chóng lật xấp bệnh án vừa được bàn giao, tóm lược nhanh tình trạng cho nữ bác sĩ.

– Ông ơi, ông ơi!

– Ông có nghe cháu gọi không?

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 17

Nữ bác sĩ lay gọi, đồng thời soi đèn kiểm tra đáy mắt, đánh giá điểm glasgow của bệnh nhân. Trong lúc đó, điều dưỡng Tuyển đã đẩy máy thở vào, nhanh chóng cùng các đồng đội thiết lập thở máy và kết nối thiết bị đo SpO2, huyết áp, điện tim… cho cụ ông.

Ngay lúc này, tiếng cảnh báo lại liên tục vang lên ở một giường bệnh khác, khiến êkip buộc phải “chia quân”. Ở giường đối diện, nam bệnh nhân kích động tháo mặt nạ oxy và các thiết bị đo đang gắn trên người. Việc càng thêm khó khi bệnh nhân này phản ứng gay gắt và không cho y bác sĩ động vào người.

7 năm làm hồi sức, những tình huống “báo động đỏ” dồn dập như vậy đối với điều dưỡng Nguyễn Đức Tuyển xảy ra như cơm bữa. Trước đó không lâu, chỉ trong một ca trực có đến 3 bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn phải cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực.

“Bên cạnh vững chuyên môn, sự nhanh nhạy trong xử trí tình huống, chúng tôi bắt buộc phải có một “tinh thần thép” để bình tĩnh xử trí tình huống thật chính xác và ổn định tình hình.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 19

“Tạm ổn rồi”, cả kíp thở phào khi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân mới được chuyển đến thoát khỏi ngưỡng nguy hiểm sau các can thiệp bước đầu.

Tuy nhiên, những trăn trở vẫn còn đó khi để bệnh nhân có thể vượt cửa tử và bình phục sẽ là cả trận chiến dài ở phía trước.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 21

“Người bệnh phải vào hồi sức tích cực như đi trên một lằn ranh sinh – tử rất mỏng manh và có thể “sảy chân” bất kỳ lúc nào.

Chúng tôi kiểm soát, bệnh nhân diễn biến, chúng tôi lại tiếp tục tìm cách để đảo ngược tình trạng. Đó chính là công việc của các y bác sĩ làm hồi sức”, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc nhấn mạnh.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 23

“Ông ơi gội đầu ông nhỉ”, vừa đẩy chậu nước, hộ lý Lê Thị Khuyên vừa nói với. Phía giường số 14, cụ ông ú ớ đáp lại không tròn âm nhưng gương mặt lộ rõ niềm vui.

Người đàn ông 73 tuổi này là một bệnh nhân đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 25

“Ông thích gội như thế này lắm. Một tuần, chúng tôi lại gội cho ông một lần. Thỉnh thoảng ông ngứa thì gội hai lần”, hộ lý Khuyên hào hứng kể.

Suốt 3 năm qua, vợ của cụ ông cũng lấy viện làm nhà để chăm chồng. Hết dịch Covid-19, các con lại lên đỡ cho bà vào buổi tối.

Vào viện, cụ ông có thêm một gia đình mới là các nhân viên y tế.

“Bà và các con thương ông lắm, ông nhỉ?”, nghe hộ lý Khuyên hỏi, cụ ông nhoẻn miệng cười, gắng dùng sức chỉ vào hình nền điện thoại để khoe bức ảnh chụp cả đại gia đình.

“Ở khoa chúng tôi, ngoài ông ra còn có cụ ở giường 7 nằm 2 năm, cụ ở giường 6A nằm hơn năm rưỡi. Chúng tôi xem các cụ như người ông, người bà trong gia đình mình”, nữ hộ lý kể về những bệnh nhân đặc biệt.

Ca trực 100 đầu việc của blouse trắng chốt chặn cửa tử - 27

Phía bên ngoài hành lang vọng lên tiếng cười nói của một gia đình. “Mình về nhà thôi bố”, người đàn ông trung niên đẩy cụ ông ngồi trên chiếc xe lăn hướng về phía cửa khoa với gương mặt rạng rỡ.

Niềm vui của hai bố con là thành quả của hơn một tháng nỗ lực không ngừng nghỉ giành giật sự sống của các blouse trắng.

Có những thời điểm, cụ ông như đã đặt một chân sang thế giới bên kia khi vừa bị nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng phổi trên nền cơ địa đã mất một bên phổi do chiến tranh và phải thở máy trong 21 ngày.

Ở nơi đây, ánh đèn không bao giờ tắt và guồng quay công việc không một lần chậm nhịp, để thêm thật nhiều những gia đình rời đi trọn vẹn thành viên như vậy.

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Patrick Nguyễn

27/02/2024 – 04:00


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *