19h30, người đàn ông trung niên được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng lơ mơ, trên mặt có nhiều vết xây xát.
Trước đó, bệnh nhân này có uống rượu trong bữa tất niên, sau đó tự ngã khi đang điều khiển xe máy.
2 y bác sĩ ngay lập tức tiếp cận, tiến hành sơ cứu, đặt nẹp cổ và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính sọ não.
– Bác nhìn thẳng lên, có thấy rõ bàn tay cháu không?
– Bác có bị hoa mắt không, có buồn nôn không?
BS Nguyễn Duy Toản, khoa Cấp cứu đánh giá nhanh ý thức của bệnh nhân.
“Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng. Kết quả chụp CT cho thấy hình ảnh xuất huyết dưới nhện, dập não, chảy máu trong xoang, vỡ cung trước xương gò má. Trước mắt, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi, đánh giá ý thức.
Nếu lâm sàng và các yếu tố cận lâm sàng ổn định, tình trạng xuất huyết não và tổn thương não không tăng lên, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị ngoại khoa ở Khoa Chấn thương – Chỉnh hình”, BS Toản chia sẻ, lắc đầu tiếc nuối khi những ngày qua liên tiếp chứng kiến nhiều người “mất Tết” chỉ vì chén rượu ngày cuối năm.
Tối 29 Tết, trong khi nhà nhà đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bên trong cánh cửa Khoa Cấp cứu, cuộc đua sinh mệnh vẫn căng thẳng như mọi ngày.
Chỉ trong 12 giờ đồng hồ, đã có hơn 100 bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu. Các tình trạng phổ biến nhất là viêm phổi, suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, chấn thương, tai nạn giao thông.
Càng về đêm, Khoa Cấp cứu “nóng” dần lên bởi những bước chân cấp tập của các y bác sĩ. Những chiếc giường còn trống trong khoa ít dần đi. Phía cửa tiếp nhận, các bệnh nhân mới liên tục được chuyển vào.
Không ít trường hợp nằm điều trị là người trẻ gặp tai nạn có tiền sử uống rượu bia, trùng khớp với thời điểm các cuộc liên hoan cuối năm, tất niên.
Theo BS Toản, áp lực tại Khoa Cấp cứu vào những ngày sát Tết không kém gì ngày thường. Bệnh nhân thường chỉ vơi hẳn vào đêm 30 và sáng mồng một, sau đó dồn dập trở lại.
5 năm công tác tại Khoa Cấp cứu, có đến 2 năm BS Toản nhận lịch trực vào đêm 30 Tết. Nam bác sĩ cho biết, năm nay may mắn hơn khi có thể về nhà vào trưa 30 Tết để kịp ăn bữa cơm Tất niên và không phải đón giao thừa “từ xa”.
20h05, đèn xe cấp cứu chớp sáng bên ngoài cửa khoa. Cụ ông 81 tuổi nằm trên cáng được 2 nhân viên y tế của lực lượng 115 đẩy vào bên trong.
“Bệnh nhân bị tụt huyết áp, có tiền sử đột quỵ…”, bác sĩ 115 trao đổi nhanh thông tin trong quá trình bàn giao người bệnh.
Theo thông tin từ người nhà, buổi sáng bệnh nhân mệt mỏi đến tối thì li bì, bỏ ăn, huyết áp xuống thấp nên gia đình đưa đi cấp cứu. Trong quá trình di chuyển, lực lượng 115 đã tiến hành xử trí đặt đường truyền bù dịch để nâng huyết áp.
– Ông ơi, ông nghe được không?
– Ông tên là gì?
Trên giường bệnh, cụ ông phản xạ khi nghe bác sĩ hỏi, thều thào đáp lại. Trong lúc này, điều dưỡng Âu Lan Anh nhanh chóng đo các chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân và chích máu để kiểm tra chỉ số đường huyết.
“Chúng tôi phát hiện tình trạng tăng đường huyết ở mức rất cao, vượt qua khả năng đo của máy đo tại giường. Rất may chưa có rối loạn chuyển hóa axit – bazơ đi kèm. Bệnh nhân sẽ được xử trí bù dịch, dùng insulin đường tĩnh mạch, rồi chuyển lên Khoa Nội tiết nếu tình trạng ổn”, BS Toản phân tích.
Ngay lúc này, cánh cửa Khoa Cấp cứu lại mở ra, bác sĩ tiếp nhận báo gấp: “Bệnh nhân ngừng tuần hoàn”. Kíp cấp cứu gồm 5 y bác sĩ ngay lập tức tiếp cận kích hoạt “báo động đỏ”.
Liên tiếp các y lệnh được thực hiện để phục vụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp: thiết lập máy điện tim, chuẩn bị adrenaline (thuốc trợ tim), dịch truyền, dụng cụ y tế.
Nam bác sĩ lồng 2 tay vào nhau ép mạnh liên hồi lên ngực bệnh nhân. Sau hơn 100 nhịp, BS Toản thay phiên ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân. Cứ thế, 5 y bác sĩ liên tục thay phiên nhau thực hiện ép tim.
Bầu không khí trong căn phòng căng như dây đàn. Mọi sự chú ý được dồn về màn hình máy điện tim trông chờ một tín hiệu của sự sống. Thế nhưng, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.
Một nhân viên y tế, cùng lúc, được giao nhiệm vụ thông báo cho người nhà bệnh nhân về tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị tinh thần.
“Bệnh nhân đã 94 tuổi, trước đó thể trạng rất kém và đã ngừng tuần hoàn trong quá trình được đưa đến viện. Với những trường hợp như vậy, cơ hội sống là rất mong manh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng làm hết sức để giành giật sự sống cho cụ”, BS Toản nói.
Liên tiếp trong 30 phút tiếp theo, 5 chuyến xe cấp cứu dừng trước cửa khoa dồn thêm áp lực lên 12 y bác sĩ trong kíp trực 29 Tết.
“Anh em Cấp cứu ăn tối vào gần nửa đêm là chuyện thường. Chúng tôi sẽ thay phiên nhau 1-2 người ăn một lần. Nhiều hôm, chỉ một suất cơm nhưng phải ăn 4-5 lần vì vừa “cầm đũa”, bệnh nhân lại đông”, BS Toản cười.
Nhìn đồng hồ đã điểm 22h30, điều dưỡng Lan Anh thở dài khi không kịp gọi về cho con trước giờ 2 nhóc đi ngủ. Tranh thủ lúc vãn bệnh nhân, người mẹ trẻ mở lại bức hình con để xem cho đỡ nhớ.
Kết thúc ca trực đêm nay, chị sẽ có 2 ngày ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình, sau đó lại “trực chiến” ngay ngày mồng 2 Tết.
23h, lượng bệnh nhân vào khoa đã “hạ nhiệt”, một số y bác sĩ tranh thủ lúc vừa ngơi việc ngồi thụp xuống ghế cho đôi chân đã mỏi nhừ được nghỉ ngơi, có người đến giờ vẫn chưa kịp ăn tối.
Nơi đây, các blouse trắng gác lại Tết ở bên ngoài cánh cửa, để thêm nhiều gia đình có cơ hội được sum vầy đón Tết.