Căn bệnh gây đột quỵ, nguy cơ tử vong đến 50%: Thấy đau đầu đừng chủ quan


Tại hội nghị khoa học cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị năm 2023 vừa diễn ra ở TPHCM, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Định Chương, chuyên khoa nội thần kinh đã báo cáo về nghiên cứu kết quả can thiệp nội mạch trong điều trị túi phình mạch máu não tại bệnh viện nơi ông làm việc.

Theo đó, đối tượng nghiên cứu gồm 44 bệnh nhân túi phình mạch não vỡ và chưa vỡ, được điều trị can thiệp nội mạch tại cùng một bệnh viện trong hơn 2 năm gần đây. Bệnh nhân trong khoảng 39-85 tuổi, được theo dõi qua thời gian để đánh giá kết quả điều trị.

Theo bác sĩ Chương, túi phình mạch máu não (TPMMN) là bệnh lý mạch máu não khá thường gặp, gây nên bệnh đột quỵ và có nguy cơ tử vong cao (40-50%) và để lại di chứng nặng nề nếu túi phình vỡ. Khi túi phình lớn và khổng lồ, tỷ lệ tử vong càng tăng cao.

Căn bệnh gây đột quỵ, nguy cơ tử vong đến 50%: Thấy đau đầu đừng chủ quan - 1

Hình ảnh túi phình mạch máu não khổng lồ của một bệnh nhân (Ảnh: BV).

Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất của các trường hợp túi phình chưa vỡ là đau đầu (chiếm hơn 70%), các trường hợp còn lại được phát hiện tình cờ qua chụp MRI, CT động mạch não. Khi vỡ túi phình, người bệnh sẽ có triệu chứng đau đầu đột ngột dữ dội, nôn ói, lơ mơ, hôn mê, yếu liệt tay chân, nói khó, méo miệng, nhìn mờ.

Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Chương cùng cộng sự cho thấy, phương pháp can thiệp nội mạch điều trị TPMMN có hiệu quả tốt ở đa vị trí và kích thước, trong cả hai trường hợp túi phình vỡ và chưa vỡ.

Cụ thể, so với phương pháp điều trị bằng phẫu thuật, phương pháp can thiệp nội mạch đem lại hiệu quả điều trị vượt trội, an toàn, không biến chứng (đến 95,7%). Can thiệp nội mạch cũng thực hiện nhanh (từ 50-140 phút), giúp bệnh nhân hồi phục sớm sau can thiệp.

Như trường hợp của chị N.T.G. (54 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) thường xuyên bị đau đầu, mệt mỏi, phải mua thuốc để uống điều trị.

Trước ngày nhập viện, cơn đau đầu của người phụ nữ tăng nặng, đồng thời bất ngờ nói khó, yếu liệt nửa người bên trái, nên được gia đình đưa đi cấp cứu. Sau 3 ngày theo dõi tại bệnh viện địa phương, chị được chuyển đến bệnh viện ở quận Phú Nhuận (TPHCM).

Qua thăm khám và làm các chụp chiếu hình ảnh, bệnh nhân được chẩn đoán có túi phình mạch máu não kích thước lớn, nguy cơ vỡ cao. Sau hội chẩn và thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu, các bác sĩ đã thực hiện điều trị bằng phương pháp đặt stent để thay đổi dòng chảy.

Quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi. Sau khi theo dõi thêm 1 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau đầu, có thể ngồi dậy và đi lại, tự mình thực hiện các chăm sóc cá nhân.

Căn bệnh gây đột quỵ, nguy cơ tử vong đến 50%: Thấy đau đầu đừng chủ quan - 2

Người phụ nữ thoát chết sau khi đặt stent điều trị túi phình mạch máu não (Ảnh: BV).

Một trường hợp khác là chị T. (53 tuổi, ngụ tỉnh Vũng Tàu). Theo bệnh sử, một tuần trước khi nhập viện bệnh nhân thường xuyên bị đau đầu, mỗi khi nhai nuốt hay cúi xuống đều có cảm giác đau buốt.

Gia đình nghĩ bệnh nhân bị rối loạn tiền đình nên bổ sung các thuốc bổ não, nhưng không cải thiện.

Sau khi thăm khám và tiến hành chụp CT, các bác sĩ khoa Nội thần kinh, bệnh viện ở TPHCM phát hiện bệnh nhân có túi phình mạch não lớn nằm tại động mạch cảnh trong trái. Người phụ nữ cũng được điều trị bằng phương pháp đặt stent-coil để tắc túi phình hoàn toàn.

Quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi. Bệnh nhân hết đau đầu, được xuất viện ngay sau can thiệp 1 ngày, giúp rút ngắn thời gian nằm viện và tiết kiệm chi phí điều trị. 

Từ nghiên cứu này, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nếu có một trong các dấu hiệu nêu trên, hoặc tiền sử gia đình có người bị TPMMN thì cần đi khám sớm để phát hiện và điều trị tắc túi phình kịp thời.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *