Căn bệnh hành hạ nhiều người Việt, ngày một trầm trọng vì ô nhiễm không khí


Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM diễn ra mới đây, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi Xoang của đơn vị cho biết, ô nhiễm không khí là một vấn đề ngày càng gia tăng và là tác nhân chính gây ra bệnh viêm mũi xoang dị ứng ở nhiều nước.

Căn bệnh càng trầm trọng vì ô nhiễm không khí

Theo đó, mức độ ô nhiễm gia tăng liên quan đến sự gia tăng bệnh viêm mũi dị ứng lẫn sự trầm trọng của triệu chứng.

Các hạt khí xả diesel có thể làm tăng sự giải phóng histamine (chất trung gian gây phản ứng dị ứng) từ tế bào mast (một loại tế bào miễn dịch của cơ thể). Ngoài ra, chúng cũng phá vỡ các liên kết chặt chẽ ở niêm mạc mũi, làm tăng tính thấm qua tế bào của các dị nguyên.

Căn bệnh hành hạ nhiều người Việt, ngày một trầm trọng vì ô nhiễm không khí - 1

Ô nhiễm không khí là vấn đề ngày càng gia tăng trên thế giới (Ảnh minh họa: BS).

Trong phiên họp thứ 6 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-6) diễn ra tại thủ đô Nairobi (Kenya) ngày 29/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo nhân loại đang phải trả giá đắt từ tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn, không chỉ gây ảnh hưởng tính mạng mà còn thiệt hại cho các cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.

WHO khẳng định, ô nhiễm làm gia tăng gánh nặng bệnh tật. Dự báo đến năm 2050, 68% dân số thế giới sống ở khu vực thành thị sẽ phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao.

Bác sĩ Hớn phân tích, ở Mỹ, so với năm 1990, mùa dị ứng hiện nay bắt đầu sớm hơn 20 ngày và kéo dài thêm 10 ngày. Biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi sự sẵn có và phân bố của các dị nguyên nguồn gốc từ thực vật và nấm…

Vì biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến số lượng và loại chất gây ô nhiễm trong không khí, nó cũng làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của viêm mũi dị ứng.

Căn bệnh hành hạ nhiều người Việt, ngày một trầm trọng vì ô nhiễm không khí - 2

Mức độ ô nhiễm gia tăng liên quan đến sự trầm trọng của bệnh viêm mũi dị ứng (Ảnh minh họa: BS).

Ngoài ô nhiễm không khí ngoài trời, hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà cũng ẩn chứa hàng loạt nguy cơ gây viêm mũi dị ứng.

Có thể ô nhiễm không khí từ phòng tắm (chứa hóa chất tẩy rửa, rác thải, không khí ẩm ướt…), phòng ngủ (thông gió kém, có thú cưng, bụi mạt bụi…) đến nhà để xe (có khí thải tự động, khói xăng…), sân (có bụi, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ…).

Khuyến cáo cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Về đặc điểm bệnh, viêm mũi dị ứng là một rối loạn về triệu chứng tại mũi xảy ra khi tiếp xúc với dị nguyên, do phản ứng viêm qua trung gian IgE (một loại globulin miễn dịch) của niêm mạc mũi. Ở Việt Nam, ước tính viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% các bệnh lý về tai mũi họng.

Bệnh có thể có triệu chứng gián đoạn (dưới 4 ngày/tuần hoặc dưới 4 tuần liên tục) hoặc dai dẳng, với mức độ từ nhẹ, trung bình đến nặng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ bị rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày, gây khó chịu.

Theo bác sĩ Hớn, thực tế mặc dù đã sử dụng thuốc, nhưng bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng thường đến khám với các triệu chứng bất lợi. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh tùy tiện cũng gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh.

Do đó, vấn đề kiểm soát bệnh để mang lại chất lượng sống tốt cho bệnh nhân, trong bối cảnh ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề là rất cần thiết.

Căn bệnh hành hạ nhiều người Việt, ngày một trầm trọng vì ô nhiễm không khí - 3

Tùy theo tình trạng cụ thể, bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể được điều trị bằng thuốc dạng uống hoặc dạng xịt (Ảnh minh họa: BV).

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần được khám và chẩn đoán kỹ lưỡng để xác định triệu chứng và việc dị ứng với dị nguyên cụ thể, phân biệt với các loại bệnh hô hấp khác. Từ đó lựa chọn chiến lược điều trị phù hợp (theo tuổi tác, mức độ bệnh, sở thích, điều kiện kinh tế) và quản lý tuân thủ kế hoạch điều trị.

Tùy theo tình trạng cụ thể, bệnh nhân có thể được dùng thuốc kháng histamin H1 (dạng uống/dạng xịt mũi) hoặc corticoid xịt mũi. Khi có bằng chứng của nhiễm trùng, kiểm soát triệu chứng khó, bệnh nhân cần được chọn lựa kháng sinh theo kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ…

Để phòng ngừa viêm mũi xoang dị ứng, nên mang khẩu trang khi đến nơi đông người; tránh khói thuốc, khói nhang, khói xe, hóa chất; hạn chế bơi ở hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nồng độ clo; tránh tiếp xúc trực tiếp với thú cưng; dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, mở cửa sổ thông khí tự nhiên; vệ sinh máy lạnh, máy hút bụi, kiểm soát độ ẩm không khí dưới 45%…


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *