Không những thế, FV còn áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ viện phí như trợ giá lên đến 20% cho bệnh nhân không có bảo hiểm sức khỏe, sắp tới là cho trả góp viện phí và mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm y tế nhà nước, để bệnh nhân an tâm điều trị mà không quá lo lắng về vấn đề tài chính.
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV hé lộ lý do đặc biệt cho những chương trình thiết thực nói trên.
Là bệnh viện quốc tế tầm khu vực, chính sách giá của FV được thiết lập như thế nào?
– Cho phép tôi quay về câu chuyện của FV cách đây 25 năm, tôi đã tham quan rất nhiều bệnh viện ở Việt Nam và khu vực, đồng thời thuê các công ty khảo sát thị trường chuyên nghiệp tìm kiếm những thông tin cần thiết. Một trong những kết quả chúng tôi nhận được là hệ thống xây dựng giá và chi phí của bệnh viện tại Việt Nam khi đó vô cùng phức tạp. Tôi chỉ đặt câu hỏi đơn giản là mức phí thanh toán cho 1 ca phẫu thuật cắt ruột thừa là bao nhiêu nhưng không ai trả lời được…
Tôi cũng trao đổi với chuyên gia của một số bệnh viện Singapore và được nghe họ trình bày cách tính giá điều trị theo gói, minh bạch toàn bộ chi phí, do vậy tôi muốn áp dụng với FV. Tôi biết được cách tính chi phí cho 1 đơn vị dịch vụ, chẳng hạn như phí sử dụng phòng mổ 1 giờ là bao nhiêu dựa vào phí khấu hao tòa nhà, phí nhân viên y tế phí điện nước, phí khấu hao các thiết bị y khoa…
Chúng tôi muốn tại FV, bệnh nhân biết trước chi phí cho việc điều trị, có thể sẽ phát sinh nhưng rất ít, trừ những trường hợp có biến chứng hoặc rủi ro không mong muốn. Do đó chúng tôi đã tạo ra chính sách giá theo gói cho từng loại dịch vụ với chi phí trung bình của các hạng mục.
Cũng có dịch vụ điều trị không dễ tính giá theo gói, như điều trị nội khoa. Một bệnh nhân nhập viện điều trị nhiễm trùng đường tiểu thì bác sĩ không thể biết chắc chắn phải dùng kháng sinh loại nào và điều trị trong bao lâu…
Chúng tôi đặt ra mục tiêu tính phí để minh bạch, giúp bệnh nhân có thể thấy trước chi phí phải bỏ ra, được điều trị trong một bệnh viện sạch đẹp, trang thiết bị hiện đại nhưng giá cả phải chăng. Đó là một thách thức.
Vậy nếu so với các bệnh viện quốc tế trong khu vực thì mức giá của FV ở mức nào?
– Chúng tôi đã làm một khảo sát giá ở các bệnh viện lớn trong khu vực như Bumrungrad, Bangkok Hospital Samitivej (Thái Lan), Prince Court, Gleneagles (Malaysia), Makati Medical Centre, St. Luke’s (Philippines)… từ đó có thể khẳng định chi phí tại FV chỉ bằng khoảng 50% so với các bệnh viện hàng đầu Đông Nam Á, thậm chí nếu so với Singapore thì chỉ bằng khoảng 30%.
Chúng tôi có bộ phận nghiên cứu về giá ở các bệnh viện trong khu vực, tính toán sao cho phù hợp để người dân tại Việt Nam có thể được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao với mức giá phải chăng.
Làm thế nào để FV có được mức giá cạnh tranh như vậy?
– Có hai lý do. Thứ nhất là chi phí ở các nước trong khu vực cao hơn Việt Nam, gồm chi phí dành cho đội ngũ nhân viên y tế, chi phí vận hành. Thứ hai, những bệnh viện tư đó đặt mục tiêu lợi nhuận cao. Trong khi đó, FV được xác định ngay từ đầu là giá dịch vụ y tế phải ở mức người dân Việt Nam có thể chi trả được và lợi nhuận ở mức vừa phải.
Cách quản lý của các bệnh viện có thể khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng là chất lượng. Chúng tôi tự tin chất lượng điều trị của FV ngang tầm các bệnh viện quốc tế khác trong khu vực. Vậy thì đâu có lý do gì để người Việt phải ra nước ngoài điều trị?
Như trong thời gian Covid-19, nhiều người mới phát hiện tại Việt Nam, ở TPHCM có 1 bệnh viện chất lượng quốc tế và điều trị với giá rẻ hơn rất nhiều so với qua Singapore.
Chúng tôi tự tin khi nói FV là bệnh viện đa khoa quốc tế: đầu tư quốc tế, theo chuẩn quốc tế và đội ngũ bác sĩ quốc tế. Ngay từ đầu, FV đã xác định là mang những tiêu chuẩn y tế quốc tế đến Việt Nam, và đó là DNA của FV. Điều này giúp chúng tôi được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế JCI 3 lần liên tiếp.
Nhiều người tại Việt Nam cho rằng giá của FV rất cao, ông nghĩ sao về quan điểm này?
– Trong một cuộc khảo sát gần đây chúng tôi cũng nghe nhiều nhận định như vậy, dù những người này thậm chí còn chưa bao giờ đến FV điều trị. Trong khi thực tế nhiều trường hợp tổng hợp tất cả chi phí 1 bệnh nhân phải trả ở bệnh viện khác so với 1 gói điều trị ở FV không chênh lệch nhiều. Đặc biệt, FV tuân thủ tuyệt đối các thủ tục y khoa, các tiêu chuẩn y tế.
Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân. Chẳng hạn, khi bệnh nhân tới cấp cứu là họ đang giữa lằn ranh sinh tử, chúng tôi có chính sách cứu bệnh nhân trước, tính tiền sau. Chúng tôi có quỹ từ thiện “Nâng bước tuổi thơ” dành cho những em nhỏ kém may mắn, FV tài trợ đến 50% chi phí điều trị y tế cho các em.
FV còn có chương trình trợ giá lên đến 20% cho bệnh nhân không có bảo hiểm tư nhân. Trong 21 năm qua, hàng triệu bệnh nhân được hưởng lợi từ chính sách này.
Chương trình trợ giá 20% cho bệnh nhân không có bảo hiểm sức khỏe tư nhân được FV áp dụng như thế nào?
– Từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi có 3 chính sách giá: một là cho người có bảo hiểm quốc tế, thường là người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, đối với nhóm này giá được tính theo hạng mục quy định của bảo hiểm y tế quốc tế; hai là người có bảo hiểm sức khỏe (tư nhân) được hưởng chính sách giá theo gói và ba là nhóm không có bảo hiểm sức khỏe hoặc chỉ có bảo hiểm y tế nhà nước, đây cũng là nhóm được hưởng chính sách trợ giá của FV với mức giá thấp hơn nhóm thứ 2 tầm 20%.
Nhiều năm sau, bảo hiểm tư nhân bắt đầu phát triển, phần lớn là các công ty mua cho nhân viên. Lúc này, “cuộc chiến” nổ ra giữa Bệnh viện FV và các công ty bảo hiểm tư nhân. Họ nói rằng FV tính giá cho họ cao hơn giá cho bệnh nhân không có bảo hiểm. Chúng tôi phải giải thích rằng, chính sách của FV chỉ hỗ trợ cho bệnh nhân, không thể hỗ trợ cho công ty bảo hiểm.
Tại sao các thông tin này trước đây chưa từng được FV nhắc đến?
– Vì chúng tôi cho rằng việc hỗ trợ người bệnh là điều hiển nhiên mà bệnh viện phải làm và không cần phải kể ra. Nhưng bây giờ chúng tôi cần nói ra vì không nói thì nhiều bệnh nhân không biết, họ mặc nhiên nghĩ là FV quá mắc nên đã bỏ qua cơ hội tận hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao mà FV đã nỗ lực mang đến cho người Việt với chi phí hợp lý nhất.
Khi nghe ai đó nói rằng giá ở FV mắc, tôi cũng cảm thấy “bị oan” vì trên thực tế FV không phải bệnh viện có mức phí mà bệnh nhân không đủ khả năng chi trả. Đồng thời, tại FV giá trị dịch vụ người bệnh được hưởng tương xứng với từng đồng họ bỏ ra.
Sắp tới, FV sẽ mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm y tế nhà nước cho bệnh nhân của mình?
– Trước đây chúng tôi không triển khai rộng việc chi trả bảo hiểm y tế nhà nước vì số lượng chi trả không cao. Khi áp dụng bảo hiểm y tế nhà nước thì mức độ chi trả, chất lượng dịch vụ cũng không giống như bảo hiểm tư nhân. Ví dụ, có những loại thuốc, vật tư và phương thức điều trị theo quy chế của bảo hiểm y tế đôi khi không giống với quy trình của FV… Hiện tại, mức chi trả của bảo hiểm y tế nhà nước cho người bệnh đã tốt hơn, FV sẽ áp dụng bảo hiểm y tế nhà nước để giúp người bệnh được hỗ trợ tài chính tốt hơn.
Cụ thể, FV đang chuẩn bị để 1/7/2025 sẽ chi trả bảo hiểm y tế nhà nước cho dịch vụ ngoại trú, cấp cứu và điều trị trong ngày; tới 1/1/2026 FV chính thức áp dụng chi trả bảo hiểm y tế nhà nước cho tất cả dịch vụ nội trú lẫn ngoại trú.
FV sẽ lần đầu tiên áp dụng chính sách trả góp viện phí?
– Đây là nhu cầu có thật. Có nhiều gia đình người bệnh bị ung thư phải điều trị nhiều lần và họ chật vật khi lo viện phí. FV đã tìm được một đối tác là VNPay để hợp tác, tìm ra những điều khoản đơn giản và minh bạch, có thể áp dụng tại hầu hết các ngân hàng của Việt Nam. FV dự kiến triển khai chính sách này từ 1/1/2025 để giảm được áp lực tài chính cho bệnh nhân.
Việc thanh toán chia nhỏ này sẽ có phí chuyển đổi trả góp được thỏa thuận giữa tổ chức tài chính và người sử dụng thẻ. Đặc biệt FV sẽ trả thay cho bệnh nhân 100% chi phí chuyển đổi này với những trường hợp chọn kỳ hạn trả góp trong 3 tháng.
Vật giá ngày càng tăng kèm lạm phát mỗi năm; 21 năm qua FV đã làm như thế nào để giữ viện phí ổn định và còn duy trì liên tục chương trình trợ giá, trả góp nói trên cho bệnh nhân?
– Đó thực sự là một thách thức. Ngoài ảnh hưởng bởi lạm phát thì chi phí bệnh viện còn bị chi phối bởi tỷ giá do đa phần phải nhập khẩu máy móc, vật tư và thuốc, FV còn phải chi trả lương cho bác sĩ nước ngoài.
Chiến lược của chúng tôi là giảm biên độ lợi nhuận để hỗ trợ viện phí cho người bệnh trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.