Mới đây, một nam bệnh nhân 38 tuổi đã tử vong khi trèo qua lan can và nhảy từ lầu 8, Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trước đó bệnh nhân có biểu hiện co giật, nói nhảm và không nhận biết được người thân, nên được gia đình đưa đi điều trị, rồi xảy ra sự việc đau lòng nêu trên.
Còn tại TPHCM, trong chưa đầy 2 tháng, đã có 3 trường hợp thuộc nhiều đối tượng khác nhau nhảy lầu tử vong ở một trung tâm thương mại nổi tiếng, gây nên sự hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là nguyên nhân nào khiến nhiều người tự hủy hoại bản thân, và làm sao để phòng tránh, hạn chế những vụ việc thương tâm này xảy ra?

Hiện trường vụ bệnh nhân nhảy lầu ở Trà Vinh (Ảnh: CTV).
“Không phải ai tự tử cũng mắc bệnh tâm thần”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân, nhà sáng lập một trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần ở TPHCM cho biết, tự tử không phải là một hành vi bốc đồng đơn thuần. Nó là hồi chuông cuối cùng của chuỗi dài những đau đớn âm thầm của một quá trình tích tụ dồn nén mà người trong cuộc không còn thấy lối ra.
Theo Giáo sư Maurizio Pompili, chuyên gia hàng đầu về phòng chống tự sát tại Đại học Sapienza (Ý), tình trạng trên không chỉ đơn giản là “hệ quả của bệnh trầm cảm”, mà là biểu hiện của sự đổ vỡ sâu sắc trong mối quan hệ giữa một con người với chính mình, với người khác và với thế giới quanh họ.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân (Ảnh: NV).
Còn tác giả Edwin Shneidman gọi đó là một cơn đau tinh thần dữ dội, nơi mà người ta không thể chịu đựng nổi cảm giác sống như vậy nữa. Nó có thể đến từ sự tự trách, cảm giác vô dụng, bị ruồng bỏ hay đơn giản chỉ là cảm giác không còn được ai cần đến.
Thạc sĩ Nguyễn Bảo Ân nhận định, mặc dù đa số các trường hợp nạn nhân có liên quan đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực, nhưng có rất nhiều người chọn cách kết thúc cuộc sống mà chưa từng được chẩn đoán tâm thần.
Điều đó cho thấy tình trạng trên không chỉ nằm trong y học, mà còn nằm ở những “vết nứt” của đời sống cá nhân, xã hội và văn hóa.
“Những nghịch cảnh từ thời thơ ấu – như bị bạo hành, bỏ rơi, thiếu tình thương – không chỉ để lại vết sẹo trong tâm hồn mà còn làm thay đổi cả sinh học thần kinh. Đây là các yếu tố nền khiến một người dễ tổn thương trước những cú sốc cuộc sống sau này, và tăng nguy cơ tự tử”, chuyên gia tâm lý dẫn chứng.
Báo động tình trạng rối loạn tâm thần
Theo số liệu Bộ Y tế công bố tại Hội nghị tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cuối năm 2023, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp ở Việt Nam là gần 15%, tương đương gần 15 triệu người dân. Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu em nhỏ) có các vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ.
Trong các rối loạn này, trầm cảm và lo âu là phổ biến nhất, chiếm 5-6% dân số. Tuy nhiên, phần lớn người dân chỉ nghĩ đến tâm thần phân liệt khi nghe đến cụm từ “rối loạn tâm thần”. Nhưng thực tế, tâm thần phân liệt chỉ chiếm hơn 0,4%.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Bảo Ân cho rằng là cả một mạng lưới những yếu tố đan xen.
Thứ nhất, áp lực cuộc sống hiện đại, từ chuyện mưu sinh, gánh nặng học hành, mất việc, thất tình cho đến bão giá, dịch bệnh… khiến ai cũng có thể rơi vào trạng thái kiệt quệ tâm lý.
Thứ hai, ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm tăng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch.
Thứ ba, khoảng trống trong chăm sóc và hỗ trợ. Chỉ khoảng 1/3 người trầm cảm và 29% người có rối loạn tâm thần được tiếp cận chăm sóc chuyên môn, vì thiếu nhân viên y tế và chuyên viên hỗ trợ về tâm lý, tâm thần.
Hiện tại, cả nước mới có hơn 600 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tương đương 0,62 bác sĩ trên 100.000 dân. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 1,7.

Một trường hợp nam thanh niên nguy kịch sau khi uống 80 viên thuốc an thần (Ảnh: XB).
Thứ tư, ngân sách đầu tư còn quá mỏng. Chỉ khoảng 2% ngân sách y tế được dành cho lĩnh vực tâm thần. Trong khi đó, đây lại là “phần chìm của tảng băng sức khỏe” ảnh hưởng đến mọi mặt, từ năng suất lao động, học hành, đến hạnh phúc cá nhân và an sinh xã hội.
Giải pháp từ chuyên gia
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân khẳng định: Không ai sinh ra đã muốn chết. Đó là hệ quả của một chuỗi dài đổ vỡ âm thầm, từ tâm lý cá nhân, sang chấn, mất kết nối xã hội cho đến sự thiếu vắng của một hệ thống hỗ trợ phù hợp.
Trong bối cảnh các vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn thực tế trên?
Theo các tài liệu chuyên sâu của giáo sư Maurizio Pompili, chuyên gia hàng đầu thế giới về phòng chống tự tử, ngăn ngừa tình trạng này không thể làm theo kiểu đơn lẻ, vá víu. Cần một chiến lược đồng bộ, phân tầng rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng đối tượng – từ phổ quát đến chuyên sâu.

Bệnh nhân đi khám tâm lý tại khoa Tâm thể, một bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Trong đó, gia đình là tuyến đầu, nơi mỗi ánh mắt, bữa cơm, mỗi cái ôm đều có thể trở thành “liều thuốc ngăn ngừa” cho một ai đó đang ở rìa vực thẳm. Việc trò chuyện, lắng nghe, không phán xét trong gia đình cần trở thành thói quen sống, chứ không chỉ là “cách xử lý khi có sự vụ”.
Cha mẹ nên dạy con kỹ năng quản lý cảm xúc, học cách bày tỏ nỗi buồn và đối mặt với thất bại. Khi thấy người thân có biểu hiện thu mình, buồn rầu, hay nói bóng gió về cái chết, tuyệt đối không nên coi thường.
Đó có thể là dấu hiệu sớm, và việc đưa họ đi khám tâm lý nên được làm càng sớm càng tốt. Trong những tình huống khẩn cấp, cần có người trong gia đình ở bên cạnh họ, đồng thời loại bỏ các vật dụng nguy hiểm trong nhà như thuốc, dao kéo, ban công trống không.
Với học sinh – sinh viên, ngôi trường không chỉ là nơi học chữ, mà còn cần là nơi dạy sống. Cần đưa các lớp học kỹ năng sống, giáo dục cảm xúc xã hội (SEL) vào chương trình học chính thức.
Song song đó, giáo viên nên được đào tạo để làm người gác cổng tâm lý, biết nhận diện những biểu hiện bất thường như học sinh trầm lặng, bị bắt nạt hay sa sút đột ngột. Các trường cần xây dựng bộ phận tham vấn học đường có chuyên môn bài bản.
Khi có trường hợp học sinh có hành vi gây hại bản thân, nhà trường phải lập tức phối hợp với gia đình, chuyên gia và bác sĩ, không trì hoãn hay xử lý nội bộ.
Về mặt chính sách, thạc sĩ Bảo Ân cho rằng, đã đến lúc cần một chiến lược quốc gia tương tự như các nước tiên tiến đang áp dụng.
Các cơ quan chức năng cần đào tạo sâu rộng cho tuyến y tế cơ sở về nhận diện và xử trí trầm cảm, rối loạn lo âu, ý định hủy hoại bản thân. Đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp về tâm lý phải được mở rộng, vận hành 24/7 và phổ biến đến tận vùng sâu vùng xa.
Đặc biệt, phải đầu tư bài bản cho các chương trình can thiệp cộng đồng ở nhóm nguy cơ cao như thanh thiếu niên, người bị mất việc, nhóm LGBT, người sống một mình hoặc có tiền sử sang chấn.
Khi có trường hợp nạn nhân, cần thành lập nhóm phản ứng nhanh để hỗ trợ gia đình, phòng ngừa hiệu ứng mô phỏng. Hệ thống pháp luật và y tế cần xây dựng các chương trình “hậu biến cố” (postvention) – chăm sóc tâm lý, tư vấn, kết nối lại cho người ở lại, tránh để họ tiếp tục tổn thương kéo dài hoặc lặp lại hành vi trong tương lai.
Ở cấp cộng đồng, chuyên gia tâm lý đánh giá có vai trò quyết định. Truyền thông phải được quy định rõ ràng về nguyên tắc đưa tin: không giật gân, không mô tả chi tiết, không “lãng mạn hóa” cái chết.
Ở cấp xã, phường, cần tổ chức các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ kết nối, đặc biệt tại các khu dân cư, chung cư cao tầng – nơi có nguy cơ cao với hành vi nhảy lầu. Công an, tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, các tôn giáo… nên được tập huấn cơ bản về sơ cứu tâm lý và ứng xử với các trường hợp khủng hoảng.
Không dừng lại ở đó, cần xây dựng mạng lưới “kết nối lại”, nơi những người từng điều trị tâm lý được hỗ trợ tái hòa nhập xã hội, tìm lại ý nghĩa sống và cảm giác thuộc về.
“Khi tất cả các “lớp chắn” đều hoạt động tốt, nguy cơ sẽ không thể xuyên thủng. Nhưng nếu ai cũng nghĩ “chuyện này không phải của tôi”, thì cái chết của một người có thể đi qua mọi lỗ hổng, âm thầm và đau đớn”, chuyên gia tâm lý bày tỏ.