Chia sẻ ở Hội nghị thường niên Tai Mũi Họng 2024, vừa diễn ra tại khu vực phía Nam, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Phước Minh (Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế) cho biết, mũi là cửa ngõ của đường thở, vì vậy mỗi ngày con người hít vào một lượng lớn các yếu tố nguy cơ như khói bụi, virus, vi trùng, vi nấm…
Dù vậy, niêm mạc mũi được phủ một lớp lông chuyển, bên dưới chứa một lớp tế bào tiết nhầy có chức năng giữ lại các yếu tố gây bệnh và “quét sạch”, không cho yếu tố gây bệnh thâm nhập vào cơ thể.
Trong các cách chăm sóc vùng mũi họng, việc rửa mũi giúp loại bỏ các yếu tố gây bệnh, làm loãng nhầy và giúp hệ thống lông chuyển làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người lạm dụng việc rửa mũi, cho rằng rửa càng nhiều càng tốt, mà không biết đây là quan niệm sai lầm.
Qua thực tế điều trị, bác sĩ Minh từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện vì biến chứng do tự ý mua thuốc trôi nổi, không có chỉ định về rửa mũi. Điển hình là trường hợp của một cô gái 25 tuổi, cho biết trước đó bị viêm mũi họng cấp. Để điều trị, bệnh nhân tự mua bộ rửa mũi (gồm bình rửa mũi và các gói muối được điều chế sẵn) về nhà rửa bằng nước máy.
2 ngày sau khi tự rửa mũi, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau và ù tai. Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện màng nhĩ bệnh nhân đã bị sưng phồng, ứ dịch vì viêm tai giữa nặng.
Bác sĩ Minh khẳng định, việc sử dụng nước máy thay vì nước đun sôi để nguội để tạo dung dịch rửa mũi, kèm với các gói muối điều chế sẵn không được khuyến cáo. Nước máy có nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, nếu chưa được đun sôi mà dùng rửa mũi sẽ dễ gây nên tình trạng viêm mũi xoang cấp và viêm tai giữa cấp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết thêm, việc rửa mũi mang lại hiệu quả cho bệnh nhân bị bệnh lý viêm mũi xoang và các trường hợp sau phẫu thuật xoang, đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.
Nhưng để mang lại hiệu quả cao và hạn chế các tác dụng phụ, việc chọn lựa loại bình rửa, cách rửa và tư thế bệnh nhân rất quan trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần được sự hướng dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ để chọn những loại bình phù hợp và cách rửa mũi đúng đắn.
Bác sĩ Hoàng Phước Minh cảnh báo, hiện nay các vùng trên cả nước nói chung và miền Nam nói riêng đang vào mùa bệnh hô hấp, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp trên (như cảm cúm, viêm mũi xoang cấp). Bên cạnh đó, chỉ số bụi mịn (PM2.5) trong không khí đang rất cao ở các thành phố lớn trong cả nước. Đây là các tác nhân gây các bệnh lý về dị ứng và hô hấp.
“Đa số các bệnh lý đường hô hấp trên là do virus, nên người dân cần hạn chế sử dụng kháng sinh nếu không đúng chỉ định, để giảm chi phí điều trị cũng như hạn chế tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh, đang là vấn đề nhức nhối tại nước ta.
Song song đó, cần sử dụng các chế phẩm có nhiều vitamin C, kẽm làm tăng sức đề kháng. Đồng thời, dùng rửa mũi nước muối đúng chỉ định sẽ cải thiện sự bài tiết dịch nhầy trong mũi, giảm tải lượng virus cũng như các dị ứng nguyên, bụi mịn trên niêm mạc mũi”, bác sĩ hướng dẫn.