Wang Yongzhang, một người đàn ông Đài Loan, đã chia sẻ lên mạng xã hội về thói quen ăn uống không lành mạnh của em gái mình. Sau đó, cô đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thói quen này.
Theo lời kể, cô gái thường thức khuya, thích ngủ đến buổi trưa hoặc chiều và ưa chuộng các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, đặc biệt là gà rán, bít tết. Thậm chí, vào mùa hè, cô ấy còn uống tới 3 cốc trà sữa mỗi ngày, mặc dù gia đình đã cố gắng khuyên nhủ.
Thói quen này kéo dài trong vài năm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: Cô gái bị đột quỵ. Hiện tại, cô phải thở máy, không thể mở mắt hay cử động chân tay, và buộc phải vật lý trị liệu suốt đời.
“Em gái tôi bị mắc kẹt trong chuỗi thói quen không lành mạnh này, mà không nhận ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây chuyển biến tiêu cực trong cơ thể. Thói quen này kéo dài nhiều năm, đã dần khiến các động mạch bị thu hẹp lại do sự tích tụ của các mảng xơ vữa, cuối cùng dẫn đến cơn đột quỵ”, anh Wang chia sẻ.
Chuyên gia dinh dưỡng Amy Tsang từ Trung tâm Dinh dưỡng và Vật lý Trị liệu Chăm sóc Sức khỏe, Đài Loan, đã chỉ ra, việc tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian dài có thể dẫn đến sự tăng nồng độ của triglyceride – một loại lipid trong máu.
Điều này có thể làm dày và làm cứng mạch máu, tăng nguy cơ cao huyết áp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ đường đồng thời là một nguyên nhân gây tăng cân, và có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.
GS Frank Hu của Đại học Harvard đã phát hiện ra mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều đường và nguy cơ tử vong vì bệnh tim.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra, trong thời gian kéo dài 15 năm, những người tiêu thụ lượng đường bổ sung lớn hơn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 38% so với những người tiêu thụ ít đường hơn.
Ông Hu cũng lưu ý rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là qua đồ uống, có thể làm tăng cân bằng cách làm giảm cảm giác no và tăng thèm ăn.
Nhìn chung, hệ quả của việc tiêu thụ nhiều đường bao gồm: cao huyết áp, viêm nhiễm, tăng cân, tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ, đều tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tại Việt Nam, số người trẻ mắc bệnh tiểu đường cũng gia tăng đáng lo ngại.
Số liệu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra năm 2022: Trên 7% người dân bị mắc đái tháo đường và độ tuổi mắc đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng chú ý, số lượng trẻ em trong độ tuổi 10-14 tuổi mắc đái tháo đường túyp 1 cũng đang tăng lên.
Theo các chuyên gia, sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa. Việc hấp thu nhiều đường là nguyên nhân tăng mức cholesterol dẫn tới các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch và đái tháo đường.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 12% lên 19,6%).