Ngày 17/4, Bệnh viện Việt Đức thông tin về trường hợp béo phì “vượt xa chuẩn người châu Á” đến viện khám.
Bệnh nhân là N.T.D., 28 tuổi ở Hưng Yên. Khi đến viện khám, cô đi lại khó khăn vì đau khớp gối nghiêm trọng.
Bệnh nhân cũng rơi vào trầm cảm nặng nề vì những lời kỳ thị ngoại hình. Cân nặng quá khổ không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn hạn chế cơ hội công việc, khiến cô ngày càng tự ti, sợ gặp gỡ, giao tiếp với người xung quanh.
Áp lực tâm lý đè nặng khiến cô rơi vào tuyệt vọng, nhiều lần bật khóc, thậm chí có ý nghĩ tự tử.

TS.BS Bùi Thanh Phúc thăm khám cho bệnh nhân trước phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
TS.BS Bùi Thanh Phúc – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, cân nặng của cô khi bác sĩ kiểm tra lên đến 102kg.
Chỉ số BMI của bệnh nhân là 39, được chẩn đoán béo phì nặng, vượt xa ngưỡng BMI bình thường của người châu Á (dưới 23).
Hậu quả là cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, tăng nguy cơ bệnh tim mạch; Thoái hóa khớp, đặc biệt là hai đầu gối đau nhức, đi lại khó khăn; Vận động hạn chế, không thể tập thể dục, chạy bộ.
Sau nhiều lần áp dụng phương pháp điều trị nội khoa nhưng thất bại, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng. Đây là phương pháp đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh viện Việt Đức là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật phẫu thuật điều trị béo phì, trong đó phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng được áp dụng phổ biến nhất. Đến nay có hơn 500 ca phẫu thuật chữa béo phì bằng kỹ thuật này.
Theo GS.TS Trần Bình Giang – Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam, các nghiên cứu theo dõi trong 5 năm cho thấy phẫu thuật mang lại hiệu quả giảm cân nhanh chóng, duy trì kết quả lâu dài, ít ảnh hưởng đến chức năng cơ thể, đặc biệt là các rối loạn chuyển hóa.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Điều trị bệnh béo phì là một liệu trình toàn diện cả chế độ sinh hoạt, điều trị từ nội khoa đến điều trị tâm lý và ngoại khoa.
Dưới đây là các phương pháp được khuyến nghị để giảm béo:
– Tăng cường tiêu hao năng lượng: Việc tập thể dục, thể thao giúp đốt cháy năng lượng nhưng lượng tiêu hao thường không đáng kể. Do đó, chỉ dựa vào hoạt động thể chất để điều trị béo phì là rất khó khăn.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống: Giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể, đặc biệt là thực phẩm giàu năng lượng như tinh bột và chất béo, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, đây là một thử thách lớn đối với người béo phì, đòi hỏi sự kiên trì và thay đổi thói quen ăn uống.
– Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị: Hiện nay, có một số loại thuốc giảm béo đã được kiểm chứng và cấp phép nhưng số lượng rất hạn chế do tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Việc sử dụng thuốc cần được giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh các sản phẩm trôi nổi trên thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
Béo phì không chỉ là vấn đề về cân nặng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện, từ tâm lý, xã hội đến thể chất. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý như gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, vô sinh, bệnh khớp và thậm chí là rối loạn chuyển hóa trong não.
Vì thế, nếu thấy khó khăn trong kiểm soát cân nặng, người dân nên đi khám để được tư vấn, hỗ trợ giảm cân, kiểm soát cân nặng phù hợp.